Tham gia góp ý về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết ban hành dự án luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực như: Tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; quy định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công; quy định trình tự, thủ tục quyết định đầu tư các nhóm dự án thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân các cấp...
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hoá thống nhất cao với sự cần thiết tiến hành sửa đổi Luật Đầu tư công.
Đại biểu cho rằng, tại Điều 12 điều chỉnh những tiêu chí phân loại dự án đầu tư công, trong đó Khoản 3 có quy định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc điều chỉnh lớn để phân cấp quản lý dự án đầu tư công. Do đó, đề nghị cần rà soát để quy định lại đảm bảo tính chặt chẽ; trong đó việc điều chỉnh tiêu chí phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, đặc biệt là căn cứ vào quy mô của nền kinh tế để xét điều chỉnh quy mô của dự án, tiêu chí các dự án đầu tư công cho phù hợp.
Tại Khoản 2, Điều 16 quy định về chi phí lập thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công. Trong đó dự thảo luật cho phép dùng nguồn chi thường xuyên để chi phí cho công tác lập, thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công. Đại biểu Mai Văn Hải đề xuất có thể bổ sung sử dụng nguồn chi thường xuyên cho lập, thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư công. Cần phải có quy định rõ về trách nhiệm thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân trong vấn đề xem xét quyết định chủ trương đầu tư liên quan đến 2 huyện, đến 2 xã.
Về Điều 25 dự án luật quy định trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền Hội đồng Nhân dân các cấp; đại biểu đề nghị chỉ nên trao quyền cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc nhóm A...
Tham gia góp ý, ĐBQH Cao Thị Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó đã bám sát 5 nhóm chính sách lớn đã được thông qua.
Đại biểu đề nghị nên cân nhắc kỹ lưỡng việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ Hội đồng Nhân dân cho UBND cùng cấp. Đồng thời cần đánh giá tác động kỹ hơn việc chuyển thẩm quyền từ Hội đồng Nhân dân sang UBND cùng cấp và có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương...
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, các ĐBQH thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các dự án Luật; đồng thời góp ý, bổ sung một số nội dung nhằm đảm bảo luật được xây dựng chặt chẽ và sát thực tiễn để thuận lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành, có hiệu lực.
Phát biểu kết luận tại tổ, ĐBQH Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đều đánh giá cao sự chuẩn bị đối với các dự án luật trình tại kỳ họp. Các ý kiến là xác đáng, xuất phát từ tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Đây là cơ sở để Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh các dự án luật.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị thư ký hội nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH để chuyển đến các cơ quan chủ trì soạn thảo theo quy định.
Khánh An