Theo thống kê sơ bộ đến chiều 10/9, các doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận khoảng 1.754 vụ tổn thất do bão số 3 gây ra; trong đó nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật ghi nhận 684 vụ tổn thất và nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới ghi nhận 1.070 vụ tổn thất. Cùng với việc đang gấp rút đánh giá thiệt hại, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã có những hướng dẫn nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục bồi thường.
Cụ thể, đối với bảo hiểm nhân thọ, Bảo hiểm AIA Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Theo đó, tính đến chiều 9/9/2024, thông qua trưởng đại diện kinh doanh, văn phòng kinh doanh tại các địa bàn, AIA Việt Nam ghi nhận có 5 khách hàng đã tử vong, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này tại AIA Việt Nam là khoảng 6,5 tỷ đồng. Sau khi xác nhận bước đầu, Công ty chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.
Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) tính đến ngày 8/9/2024 đã ghi nhận khoảng 120 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; hơn 250 vụ tổn thất về xe cơ giới; nghiệp vụ bảo hiểm con người ghi nhận 1 trường hợp tử vong và 6 người bị mất tích sau cơn bão số 3 (Yagi).
Trong thông cáo báo chí của BSH phát đi, ông Đoàn Kiên, Tổng Giám đốc BSH cho biết: “Hiểu rằng sau thiên tai, việc xử lý và khắc phục hậu quả là vô cùng cấp bách, vì vậy BSH đã huy động tối đa lực lượng giám định viên và cán bộ chuyên môn trên toàn hệ thống làm việc hết công suất để phục vụ khách hàng. BSH cam kết sẽ đồng hành cùng khách hàng, giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, phục hồi tài sản và ổn định lại cuộc sống sau bão”.
Được biết ngay sau khi cơn bão số 3 xảy ra, BSH đã triển khai đội ngũ giám định viên làm việc trực tiếp tại các tỉnh miền Bắc, đặc biệt những tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ.. nơi nước lũ ngập úng, phá hủy hàng loạt tài sản, nhà cửa, phương tiện và hàng hóa.
Trong điều kiện di chuyển khó khăn, các giám định viên đã phải sử dụng những phương tiện tự chế như bè, ván hoặc lội bộ qua những con đường ngập nước để tiếp cận hiện trường nơi có tổn thất. Các cán bộ phải lội nước qua những khu vực bị ngập sâu, vừa thực hiện công tác giám định vừa thăm hỏi, động viên các khách hàng đang gặp khó khăn. Bảo hiểm BSH cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng để chia sẻ khó khăn và tổn thất.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm, ngay trong ngày 9/9/2024, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI đã nhanh chóng triển khai các công việc để kịp thời hỗ trợ người tham gia. PVI đã ghi nhận 210 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước số tiền bồi thường là 320 tỷ đồng (chưa kể tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Theo đại diện PVI, doanh nghiệp này đang chủ động phối hợp với các bên liên quan xử lý tổn thất với thời gian nhanh nhất, giảm thiểu tối đa thủ tục, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Trước đó, ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, Bảo hiểm PVI đã gửi thông tin khuyến cáo đến khách hàng bằng nhiều phương tiện khác nhau, hướng dẫn các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, với sức tàn phá quá lớn của siêu bão, nhiều khách hàng của Bảo hiểm PVI đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tính đến sáng ngày 10/9/2024, thông qua các đơn vị thành viên trên toàn quốc và hotline, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đã ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.
Trước đó, ngay trong sáng ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm liên quan đến cơn bão số 3.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình đồng thời chung tay tham gia cùng hỗ trợ trên tinh thần “tương thân tương ái”. Với mục tiêu đặt khách hàng là trung tâm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tiếp tục tích cực tăng cường công tác thẩm định và giải quyết quyền lợi một cách nhanh chóng, giúp người dân sớm khắc phục hậu quả.
T. Hương(Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi)