Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia đang giữ được đà tăng trường nhờ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế nhưng thách thức trước mắt là không nhỏ. Ví dụ như lạm phát làm sức mua tại các nền kinh tế lớn giảm mạnh, xuất khẩu của Việt Nam vì thế kém thuận lợi hơn trong quý IV của năm.
Từ tháng Bảy, đơn hàng chủ lực của Công ty TNHH Việt Thắng Jean xuất đi EU bị giảm đột ngột đến hơn 50%. Thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật cũng giảm đến 30%. Doanh nghiệp buộc phải tìm đơn hàng từ các thị trường ngách như Hàn Quốc, Canada... với kỳ vọng ít nhất từ nay đến cuối năm có thể đảm bảo năng lực sản xuất khoảng 80%.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 10 đạt 14,1 tỷ USD, giảm 10% so với nửa cuối tháng 9. Các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu giảm, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ khiến xuất khẩu giảm tốc, đặc biệt ở các thị trường lớn.
Ông Andrew Jefferies - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định: "Tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu đang khiến nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu các nước phát triển cũng giảm theo. Việc tăng trưởng xuất khẩu vừa rồi có chậm lại nhưng đổi lại là các thị trường xuất khẩu, sự đa dạng hoá của sản phẩm được mở rộng".
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ tăng 3,5% năm nay, nhưng sẽ chỉ đạt 1% năm tới do tác động ngày càng sâu của lạm phát.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển BIDV nhận định: "Thời gian tới tôi cho rằng vẫn còn nhiều áp lực lý do chính bởi FED và các ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục tăng lãi suất. Mặc dù vậy chúng ta cũng bình tĩnh yên tâm hơn bởi chúng tôi dự báo áp lực với tỷ giá sẽ dịu dần".
Khó khăn chưa dừng lại nên sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc nhiều vào sự thích ứng và chống chịu của doanh nghiệp trước những khó khăn, biến động.
Trúc Mai