Khổmộtthông

“Chỉ mong Bộ Khoa học và Công nghệ cho tạm dừng hiệu lực của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ để doanh nghiệp có ý kiến thêm. Từ tháng 6 đến giờ, các lô hàng nhập khẩu đang bị ách lại hết. Vấn đề là chúng tôi không hề biết quy định này, không được tham khảo ý kiến khi quy định còn ở dạng dự thảo”. Đây là lý do khiến cho 33 doanh nghiệp (DN) kinh doanh trong ngành hàng thép không gỉ đã cùng nhau ký tên vào bản kiến nghị gửi đến nhiều cấp ngành để kêu cứu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thông tư 15 được ký ban hành ngày 15/11/2019, có hiệu lực vào ngày 1/1/2020, nhưng nội dung của Điều 4, quy định thép không gỉ thuộc các mã HS quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo QCVN 20:2019/BKHCN do Thông tư này ban hành, phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường, có hiệu lực từ ngày 1-6-2020.

Với quy định này, gần như toàn bộ nguyên liệu đầu vào cho ngành thép không gỉ tại Việt Nam kể từ thời điểm hiệu lực sẽ buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn quốc gia khác và không được áp dụng tiêu chuẩn cơ sở.

Tuy nhiên, theo đơn kiến nghị nói trên, tại Việt Nam, các sản phẩm làm từ thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở - tiêu chuẩn do DN công bố - chiếm phần lớn tỷ trọng trên thị trường thép không gỉ. Vì ngoài giá thành phù hợp, loại thép này đáp ứng với điều kiện môi trường, khí hậu mà không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm có giá thành cao hơn - nghĩa là sản phẩm áp dụng tiêu chuẩn quốc gia.

Nhưng điều đáng nói, các sản phẩm thép không gỉ áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do các nhà sản xuất của Việt Nam công bố vẫn đang được sử dụng làm nguyên liệu sản phẩm cuối cùng. Các sản phẩm này lâu nay đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Phi...

Trong khi đó, trong Danh mục thép không gỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 20:2019/BKHCN lại không có hàng thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật. Đây là những chủng loại được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường và cũng là sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại các nhà sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.

Như vậy, theo các DN, kể từ khi Thông tư có hiệu lực vào ngày 1-6-2020, riêng loại thép không gỉ dạng ống tròn, hộp vuông và hộp chữ nhật có tiêu chuẩn cơ sở vẫn được lưu thông trên thị trường. “Nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm trên thì không được nhập nếu chỉ đạt tiêu chuẩn cơ sở, nhưng sản phẩm thì lại được. Chúng tôi e là sẽ có sự đổ bộ của sản phẩm nhập ngoại trong lúc này”, DN trên lo lắng.

Saomãivẫnchưahếtthủtụckhókhăn?

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản (VASEP) thốt lên khi đọc báo cáo rà soát các văn bản quy định pháp luật liên quan đến gia nhập thị trường của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện: “Chỉ đọc thôi tôi cũng thấy mệt. Mấy năm vừa rồi, năm nào Chính phủ cũng ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, sao vẫn còn nhiều quy định làm khó DN đến thế?”.

Hơn 400 văn bản với 774 kiến nghị, phản ánh từ DN, hiệp hội DN được VCCI rà soát theo phân công trong Quyết định 209/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ), kết quả là đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 32 luật, 51 nghị định, 10 thông tư.

“Tôi thấy mừng vì đã nhìn thấy đề xuất rà soát Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ thêm, chúng tôi đã đề xuất xem xét nội dung DN sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch từ DN nước ngoài từ tháng 3-2020, nhiều cuộc họp đã diễn ra, chỉ đạo xem xét, sửa đổi cũng đã có, nhưng đến giờ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào”, ông Nam thẳng thắn.

Cũng phải nói rõ, việc DN Việt Nam được các nhà nhập khẩu cho phép in mã số, mã vạch trên hàng hóa gia công cho họ là một nỗ lực của DN, giúp cho hàng hóa gia công đủ điều kiện lên thẳng kệ siêu thị.

“Các DN Việt Nam cũng cho phép DN gia công hàng hóa cho mình ở nước ngoài làm việc này, nhưng không ở đâu bắt phải có văn bản ủy quyền sử dụng mã số, mã vạch, vậy tại sao chúng ta lại tự làm khó DN mình?”, ông Nam tiếp tục đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, luật sư thành viên, Phó Giám đốc Công ty Luật Bizlink đã phải đưa ra nhận định rằng, DN đang chịu quá nhiều thách thức. “Chúng tôi đã gửi tới 10 trang kiến nghị về những bất cập trong các thủ tục liên quan đến đầu tư kinh doanh hiện nay để VCCI tập hợp vào báo cáo rà soát các văn bản pháp luật gửi Chính phủ. Có nhiều quy định mà DN sẽ không biết làm thế nào để tuân thủ đúng, như các quy định về sự phù hợp với quy định, phù hợp với mức độ cạnh tranh… Nhưng đáng nói, khi tiến hành thủ tục, nhiều công chức nói với chúng tôi, nếu làm đúng như quy định thì không biết bao giờ mới xong thủ tục, nên tùy DN. Khi họ nói tùy có nghĩa là mọi sự đã khó khăn hơn”, ông Mạnh chia sẻ.

Phải thấy là, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 209/2020/QĐ-TTg với yêu cầu rà soát toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày 30-6-2020, gồm cả các văn bản đã ban hành, nhưng chưa có hiệu lực, để tìm kiếm, phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không thực tiễn, kìm hãm sự phát triển, đã cho thấy quyết tâm cải cách rất cao từ phía Chính phủ. Nhưng tinh thần đó cần đến sự chuyển động mạnh mẽ từ cả hệ thống xây dựng và thực thi pháp luật.

Điều đáng mừng, là sự chuyển đổi trong nhận thức của cộng đồng DN. Họ đã không chỉ muốn phòng thủ, mà quan trọng hơn, họ muốn trực tiếp tham dự vào việc biến quyết tâm tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn của Chính phủ trở thành hiện thực. Nhờ đó, có thể khoảng cách giữa thực thi và mong muốn cải cách tồn tại bấy lâu sẽ được rút ngắn lại nhanh hơn.

Theo Khánh An (Báo Nhân dân)