EU luôn là một trong những thị trường trọng điểm cho triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương. Đặc biệt, từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, hàng loạt sự kiện xúc tiến tiêu thụ, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu EU đã được thực hiện có hiệu quả. Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, hàng năm có khoảng 10-15 đề án xúc tiến thương mại, kinh phí trung bình khoảng 20 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ hoặc hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng… tham gia. Sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của doanh nghiệp Việt Nam tại các hội chợ chuyên ngành quy mô lớn đã tạo hiệu ứng lan tỏa, tích cực, dần xây dựng uy tín, hình ảnh sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA và cơ hội thị trường, bên cạnh việc tiếp tục duy trì sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành tại EU, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử - vốn là thế mạnh của Việt Nam hướng tới thị trường này.
Bộ cũng thực hiện một số hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực phát triển sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí để đạt chứng nhận quốc tế cho sản phẩm như EuroGAP, VietGAP, GlobalGAP….; kết nối chuyên gia thiết kế và marketing trong và ngoài nước để cùng doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhận diện thương hiệu, thông điệp truyền thông thương hiệu giúp gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Cùng đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường các sự kiện xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến chế biến với các doanh nghiệp, đối tác EU đầu tư tại Việt Nam để dễ dàng đáp ứng được các quy tắc của EU.
Hà Trần