Bất cập khống chế lãi vay 20%

Thuế và hải quan được đánh giá là hai lĩnh vực đã thực hiện nhiều giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn còn gặp quy định phiền hà, gây khó khăn và làm tốn kém chi phí sản xuất - kinh doanh.

Một số doanh nghiệp cho rằng việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% gây ảnh hướng lớn tới doanh nghiệp bởi nhiều chi phí lãi vay không được trừ cho mục đích thuế.

Cụ thể, đại diện Vingroup chia sẻ, tập đoàn này đầu tư vào nhiều lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng. Trong giai đoạn đầu không thể phát sinh được lợi nhuận, do đó toàn bộ chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong giai đoạn này, các dự án không thể vay vốn ngân hàng được mà chủ yếu thông qua công ty mẹ nên chi phí lãi vay của công ty mẹ lớn.

Vì thế, việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, bởi nhiều chi phí lãi vay sẽ không được trừ cho mục đích thuế. Do đó, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị được tiếp tục thực hiện tính toán chi phí không trừ theo luật hiện hành, tạm thời chưa áp dụng Nghị định 20/CP. Đồng thời đề xuất sửa Nghị định 20/CP cho phù hợp với thực tiễn.

Đại diện Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cũng đồng tình cho rằng, Nghị định 20/CP không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cụ thể như, Công ty chứng khoán Vietcombank - VCBS chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá hoàn toàn gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20% và sau khi loại chi phí vượt quá thì phải kê khai nộp thuế bổ sung là không phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế đánh giá, tỷ lệ khống chế 20% lãi vay trên lợi nhuận thuần là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế; tuy nhiên, với điều kiện cụ thể của Việt Nam cần xem xét lại. Theo bà Cúc, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa quy định mức khống chế vốn mỏng, khống chế lãi vay với các doanh nghiệp nên vô hình trung chúng ta quy định tỷ lệ khống chế lãi vay 20% áp dụng với những đơn vị có giao dịch liên kết là chưa thực sự phù hợp. 

"Ở Việt Nam có nhiều tập đoàn, tổng công ty có cùng một thuế suất thu nhập doanh nghiệp, khả năng chuyển giá gần như là không có, vì thế trong trường hợp họ không được ưu đãi thuế thì việc khống chế tỉ lệ lãi vay đa hợp lý chưa?", bà Cúc đặt câu hỏi.

Giải thích về điều này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết:

“Chính sách thuế của Việt Nam càng ngày càng mới để phục vụ cho việc hội nhập sâu, trong đó có câu chuyện tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam, có nhiều công ty liên kết. Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, chúng ta phải thực hiện bình đẳng doanh nghiệp.

Để cắt giảm ưu đãi, Chính phủ đưa ra lộ trình đối với doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp còn lại đến năm 2011, 2012 mới phải thực hiện. Nghị định 20 là thực hiện trên cơ sở khuyến nghị các nước G20, yêu cầu các nước phải tập trung chuyển giá và chống xói mòn nguồn thu.

Việt Nam phải ban hành nghị định này để gia nhập diễn đàn về xói mòn nguồn thu, khống chế lãi vay từ 10-30%, Việt Nam đã chọn mức trung bình 20% trên cơ sở khao sát các doanh nghiệp toàn cầu và tính tới cái thực tế của Việt Nam”.

Doanh nghiệp Việt gặp khó khi áp dụng nhiều chính sách thuế - hải quan - Hình 1

Toàn cảnh hội thảo

Nhiều khúc mắc đáng quan tâm

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp nêu lên những khó khăn vướng mắc với mong muốn được tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cách triển khai và lưu trữ hóa đơn điện tử... là vấn đề được khá nhiều doanh nghiệp thắc mắc trong buổi đối thoại bởi Nghị định 119 về hóa đơn điện tử đã có hiệu lực từ đầu tháng 11 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn thắc mắc về thủ tục xuất hóa đơn, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vấn đề hoàn thuế, chính sách thuế đối với xuất nhập khẩu tại chỗ. Đặc biệt là những vướng mắc gặp phải trong quy định khống chế chi phí lãi vay để khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp không được quá 20%, theo Nghị định 20 của Chính phủ.

Ước tính hiện nay có khoảng 400 doanh nghiệp, chi phí lãi vay đang bị vượt mức trần theo quy định này. Đại diện Tổng cục thuế cho biết sẽ lắng nghe những phản ánh của doanh nghiệp và xem xét cụ thể các mức độ ảnh hưởng của Nghị định 20 tới các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước để tìm cách tháo gỡ kịp thời tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp.

Đại diện Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cũng cho biết những kiến nghị, thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị sẽ được 2 Tổng cục nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận và sớm có báo cáo tới Bộ Tài chính, để kịp thời có văn bản tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Trúc Mai