Cụ thể, báo cáo tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại Hà Nội (sáng 20/2), Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR, cho biết hiện tổng công ty đang gặp nhiều khó khăn, hiện 11.000 nhân sự chạy tàu đang không có tiền lương. Nếu không giải quyết được, đường sắt sẽ phải dừng hoạt động trên toàn quốc.
Theo ông Vũ Anh Minh, Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi cơ quan nhận được ngân sách thì giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc. Nhưng VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải mà chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên không còn phù hợp khi áp dụng quy định này.
Chưa được giao dự toán ngân sách, dẫn đến 11.000 nhân viên như tuần đường, gác chắn, bảo đảm an toàn giao thông và các nhiệm vụ khác của tổng công ty vẫn chưa có lương.
Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo lên Thủ tướng với 3 văn bản liên tiếp. Tổng công ty cũng báo cáo lên bộ, thậm chí báo cáo “vượt cấp” lên Thủ tướng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
“Đến hôm nay tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật”, ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi không ai giao nhiệm vụ.
"Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai tội chịu. Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai", ông Minh nói.
Nhiều lần nhấn mạnh tính cấp bách của tổng công ty trong giai đoạn này, Chủ tịch VNR cho hay vốn của các công ty bảo trì chỉ 10-20 tỷ đồng, không thể vay ngân hàng vì không có hợp đồng.
Đối diện với nhiều khó khăn, ngành đường sắt đứng trước nguy cơ dừng hoạt động
Ngoài ra, ông Minh cũng cho biết, Quốc hội đã ra Nghị quyết 87, trong đó nêu tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ GTVT lại cho rằng nội dung như vậy vẫn chưa rõ có phải tiếp tục giao cho Tổng Công ty Đường sắt hay không.
“Chúng tôi không thể đánh giá quan điểm nào là đúng, vì bây giờ nhiều người sợ sai lắm. Đến giờ trên 1 vạn con người không có lương. Các đơn vị thì không có tiền để chi trả nên Tổng công ty phải ứng, song tôi ứng như vậy là tôi đang làm sai và phải đối diện với nhiều rủi ro”, ông Minh lo ngại.
Được biết, trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.
T.N