Việc ông Trump phá băng quan hệ với Nga đang khiến một bộ phận chính giới Mỹ tức giận
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Nga Viktor Kamehev, quyết định gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki là lời “tuyên chiến” của Tổng thống Mỹ D.Trump đối với “vũng lầy Washington”.
“Nếu như ở Helsinki, tôi được V.Putin tặng cho cả thành phố Matxcơva thì họ vẫn chỉ trích tôi”
Trong khi quyết định tới Helsinki gặp Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Mỹ D.Trump đã từng tuyên bố:“Nếu như người Nga chấp nhận trao cho tôi quyền sở hữu Matxcơva thì người ta sẽ vẫn chưa hài lòng và sẽ nguyền rủa tôi rằng vì sao tôi không đòi luôn cả thành phổ Sat-Peterburg”!
Tổng thống Mỹ D.Trump nhận thấy rất rõ, các thế lực trong “vũng lầy Washington” cho rằng Mỹ đang chiếm ưu thế vượt trội toàn diện so với Nga về quân sự, chính trị và kinh tế và đang theo đuổi chủ trương đối đầu với Nga để thực hiện canh bạc vô cùng mạo hiểm là phát động cuộc chiến tranh tổng lực nhằm hủy diệt nước Nga một lần và mãi mãi. Đó là nguyên nhân khiến Washington vẫn tiếp tục mở rộng NATO tới sát biên giới Nga, xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa ở châu Âu, tiếp tục bao vây cấm vận Nga với bất cứ nguyên cớ nào.
Nhận thấy hiểm họa từ canh bạc này, trong Thông điệp liên bang đọc này 1/3/2018 Tổng thống Nga V.Putin đã phải chính thức công bố những loại vũ khí phòng thủ và tấn công chiến lược của Nga hoàn toàn có khả năng đập tan mọi hành động tấn công xâm lược từ bên ngoài. Tổng thống Nga V.Putin muốn thức tỉnh những thế lực ở Mỹ rằng họ không thể thắng Nga trong một cuộc chiến tranh tổng lực mà chỉ dẫn tới hậu quả hủy diệt nước Mỹ và toàn nhân loại.
Trong chủ trương của Tổng thống Mỹ D.Trump cải thiện và hợp tác với Nga ẩn giấu triết lý sâu xa rằng dù nước Nga không mạnh về kinh tế như Trung Quốc nhưng họ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đủ khả năng hoàn toàn hủy diệt nước Mỹ trong trường hợp bùng phát cuộc chiến tranh tổng lực. Do đó, kết quả quan trọng nhất, có ý nghĩa then chốt nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ là Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin đã đẩy lùi nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga, theo đó hai bên xác định: Mỹ không phải là mục tiêu tấn công của Nga và Nga cũng không phải là mục tiêu tấn công của Mỹ. Còn tất cả những thỏa thuận khác chỉ là thứ yếu và sẽ được hoạch định ở cấp chuyên viên về sau này, trong một quá trình đàm phán phức tạp, lâu dài.
Do đó, Tổng thống Mỹ D.Trump đang thay đổi chiến lược toàn cầu của Mỹ, hay là chiến lược của “nhà nước ngầm” tồn tại ở Mỹ trong nhiều thập kỷ nay mà đại diện gần đây nhất là chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Về lý thuyết, có hai kịch bản thay đổi chiến lược toàn cầu của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump. Một là, Tổng thống D.Trump sẽ “tát cạn vũng lầy Washington” và thực hiện chính sách đối ngoại độc lập của ông. Hai là, “vũng lầy Washington” sẽ nhấn chìm Donald Trump.
Hiện nay đang diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệu giữa hai kịch bản này, trong đó theo kịch bản hai, các thế lực trong “vũng lầy Washington” đang tìm mọi cách khống chế, cô lập và làm bất tìn nhiệm đối với Tổng thống D.Trump sau khi họ không thể thực hiện được “kịch bản Kennedy”. Còn nếu kịch bản một trở thành hiện thực thì Donald Trump sẽ là tổng thống vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ.
Vụ scandal tình báo gây sốc sau cuộc gặp V.Putin-D.Trump
Ngày 18/7/2018, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ gây áp lực đòi thẩm vấn phiên dịch viên của Tổng thống Mỹ D.Trump trong cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ Bob Corker cho biết, ông thông cảm với những đòi hỏi thẩm vấn phiên dịch viên và sẽ xem đã có tiền lệ này hay chưa trong lịch sử Mỹ. Theo ông Bob Corker, nếu cần thiết thì nên thẩm vấn Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mike Pompeo. Còn người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố là hiện chưa thể khẳng định có hay không có băng ghi âm cuộc trao đổi giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga và cho biết tổng thống Mỹ có đặc quyền hành pháp không phải tiết lộ nội dung các cuộc nói chuyện riêng tư.
Trong khi đó, người phát ngôn của Cơ quan mật vụ Mỹ USSS (United States Secret Service) Bruno Bernardi thông báo một tin gây sốc dư luận Mỹ và có thể để lại hậu quả chưa thể lường hết được: chiếc ổ cứng ghi và lưu trữ thông tin vạn năng USB (Universal Serial Bus) ghi lại toàn bộ nội dung cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinki ngày 16/7/2028 đã không cánh mà bay!
Theo Bruno Bernardi, những vụ mất cắp như vậy cũng đã từng xảy ra trong lịch sử hoạt động của USSS. Thông thường, để đề phòng điều này xẩy ra, chuyên viên an ninh chịu trách nhiệm lưu trữ hồ sơ thường sao bản gốc thành bốn bản. Thật không may là trong trường hợp này bản gốc đã bị đánh cắp ngay tại Phần Lan.
Kẻ bị nghi ngờ đánh cắp chiếc USB đặc biệt này là một người di cư gốc Nigeria đến Phần Lan và được tuyển dụng làm nhân viên tạp vụ tại cung điện nơi diễn ra các cuộc đàm phán trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Danh tính của người này đã được xác định vào ngày hôm sau, có tên là Gbvanu Mbeppo, nhưng anh ta đã biến mất. Hiện tại mọi nỗ lực tìm kiếm Gbvanu Mbeppo vẫn chưa mang lại kết quả. Các chuyên gia điều tra cho rằng chiếc USB này hiện vẫn còn ở trên lãnh thổ Phần Lan.
Hiện giờ, tất cả các cơ quan an ninh của Mỹ, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cục an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và một số cơ quan an ninh khác, đều đã vào cuộc điều tra tung tích của chiếc USB đặc biệt này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành một thông cáo khẩn, trong đó đưa ra đề xuất sẽ trả 25 triệu USD cho bất kỳ ai tìm được và trao trả lại chiếc USB này mà không cần giải thích do đâu có được nó.
Một lựa chọn khác cho người tìm ra và trao trả lại USB là được nhận ngay lập tức 15 triệu USD đồng thời được cấp quyền công dân Mỹ cũng như thân nhân của người đó. Ngoài ra, Bộ ngoại giao Mỹ còn đề xuất 10 giải thưởng, mỗi giải trị giá 1 triệu USD, cho bất kỳ thông tin gián tiếp nào giúp tìm ra USB và 20 giải thưởng trị giá 500.000 USD cho ai thông báo về nơi ẩn náu của Gbvanu Mbeppo.
Nhiều chuyên gia phân tích tình báo và chính trị cho rằng vụ scandal tình báo này cho các đối thủ chính trị của Tổng thống Mỹ D.Trump gây nên. Họ muốn có trong tay một con bài chính trị để làm thất bại chính sách ngoại giao của ông hướng tới cải thiện quan hệ Mỹ-Nga và xa hơn nữa là đánh bại ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới.
Thuyết âm mưu về việc “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ”
Trở lại Washington sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, Tổng thống Mỹ D.Trump đã phải rút lại tuyên bố của ông trong cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin rằng “không tin vào sự cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ”.
Thế nhưng, ngay sau đó trên Twitter của mình, ông Donald Trump cho rằng sự cáo buộc "Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ" là một trò lừa đảo lớn. Ông Donald Trump lập luận:“Nếu Tổng thống Obama đã khẳng định chắc chắn rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 thì tại sao ông ta không có hành động gì để ngăn cản (khi ông còn tại vi)? Tại sao ông Obama không thông báo điều đó với nhân viên của chúng tôi? Vì đó chỉ là một trò gian dối lớn. Trong khi đó, ông Obama vẫn tin rằng Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng”.
Bất chấp sự phản đối, Trump vẫn tiếp tục cải thiện quan hệ với Nga
Ngày 19/7/2018, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Mỹ D.Trump hy vọng sẽ chào đón Tổng thống Nga V.Putin tại Washington vào mùa thu này. Thông báo này được đưa ra ngay sau một bài biết của Tổng thống Mỹ D.Trump trên Twitter rằng ông mong gặp lại Tổng thống Nga V.Putin để bắt đầu thực hiện các vấn đề mà hai bên đã thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki.
Cũng trên Twitter ngày 19/7/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump viết:"Hội nghị thượng đỉnh với Nga là một thành công lớn, ngoại trừ đối với truyền thông chuyên đưa tin giả-kẻ thù thực sự của người dân. Tôi mong đợi cuộc gặp thứ hai để bắt đầu thảo luận về nhiều vấn đề như chống khủng bố, an ninh cho Israel, vũ khí hạt nhân, Ucraina, Triều Tiên...".
Trong một bài đăng khác, ông viết:"Có nhiều câu trả lời dễ hoặc khó cho những vấn đề này nhưng toàn bộ đều có thể được giải quyết". Tổng thống Mỹ D.Trump cũng bày tỏ lo ngại về điều mà ông cho là “tin tức giả" đang xuyên tạc cách tiếp cận của ông đối với Nga. Ông cảnh báo rằng có nhiều kẻ muốn nhìn thấy một cuộc đối đầu lớn giữa Mỹ với Nga có thể dẫn đến chiến tranh”.
Ngày 19/7/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump yêu cầu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton soạn thư mời Tổng thống Nga V.Putin thăm Nhà Trắng vào mùa thu năm nay. Chuyện Tổng thống D.Trump mời Tổng thống V.Putin thăm Mỹ có thể coi là một thắng lợi ngoại giao của Nga và là cột mốc quan trọng trong việc cải thiện quan hệ hai nước.
Ngày 20/7/2018, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố, Bộ ngoại giao Mỹ nên được quyền miễn cấm vận cho một số quốc gia mua vũ khí của Nga để giúp Mỹ xây dựng quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với các quốc gia đang sở hữu vũ khí Nga. Theo ông James Mattis, vấn đề lớn nhất là liệu Mỹ muốn tăng cường quan hệ với các đối tác ở những khu vực then chốt hay đẩy họ vào thế không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngả về Nga.
Về phía Nga, phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ Nga và đại diện các tổ chức quốc tế tại Matxcơva ngày 19/7/2018, Tổng thống V.Putin khẳng định rằng, bất chấp nỗ lực làm suy yếu thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, lãnh đạo Nga và Mỹ bắt đầu cải thiện quan hệ song phương trong bối cảnh có những thế lực ở Mỹ đang tìm cách hủy hoại thành công của hội nghị này. Theo ông V.Putin, sẽ rất ngây thơ khi hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga có thể giải quyết những vấn đề tồn đọng giữa hai nước.
Trong cuộc điện đàm của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, hai bên thảo luận những cách thức để cải thiện quan hệ song phương trên cơ sở bình đẳng và đôi bên cùng có lợi sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Helsinki, về những nỗ lực chung khả dĩ nhằm cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria cũng như những thách thức từ việc giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên./.
Theo VietTimes