Đe dọa tính mạng, tài sản
Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động khai thác khoáng sản của một số DN được cơ quan chức năng cấp phép.
Báo cáo số 100/UBND-TNMT ngày 13/2/2017 của UBND huyện Đồng Hỷ: Tình trạng sụt lún đất, nứt nhà tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau ngày càng nghiêm trọng. Tính đến ngày 10/2/2017, tại khu vực xóm Hòa Bình thuộc xã Cây Thị, có 3 hộ dân nằm trong khu vực thực hiện dự án khai thác quặng sắt Chỏm Vung Tây của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên bị ảnh hưởng sụt lún với mức độ khá nguy hiểm, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng và tài sản.
Hoạt động khai thác khoáng sản của một số DN gây ra sạt lở, mất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân huyện Đồng Hỷ
Đến đầu tháng 3/2017, tổng số 133 hộ dân bị rạn nứt nhà ở các mức độ khác nhau, do ảnh hưởng của sụt lún đất (thị trấn Trại Cau có 44 hộ dân, xã Cây Thị có 89 hộ dân). Ngoài ra, tại khu vực trên, các giếng khoan, giếng đào đều cạn kiệt khiến người dân không có nước sinh hoạt.
Tại các xóm Trại Cau, Hòa Bình và Kim Cương của xã Cây Thị, có 117 thửa ruộng với diện tích gần 7,5 ha của 44 hộ dân có hiện tượng sụt lún đất thành hố sâu hoặc nghiêng ruộng, mất nước. Người dân không thể cấy lúa được, phải chuyển sang trồng màu hoặc bỏ ruộng hoang.
Trước tình hình trên, ngày 12/5, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Công văn số 1817/UBND-CNN chỉ đạo di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nơi ở không an toàn do sụt lún đất, nứt nhà tại xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau.
Xuất hiện nhiều hố sụt lún
Trong khi việc di dời, theo chỉ đạo của UBND tỉnh chưa được thực hiện thì những ngày qua, nhiều hộ dân tại xã Cây Thị lại thêm khốn đốn vì sụt lún đất, tràn bùn sau mưa.
Ghi nhận, sau đợt mưa ngày 22/5, tại cánh đồng xóm Kim Cương, khu vực giáp với suối Ngàn Me, đã xuất hiện nhiều hố sụt lún mới đe dọa và gây nguy hiểm đến tính mạng con người, tài sản. Chiều 23/5, đoàn công tác huyện Đồng Hỷ đã đi kiểm tra hiện trường.
Mưa lớn, nước, bùn đất tràn diện rộng
Theo biên bản vụ việc, tối 22/5, tại cánh đồng trồng ngô, lạc của xóm Kim Cương, thửa ruộng có diện tích 1.500 m2 của gia đình ông Nông Cao Khánh xuất hiện 4 hố sụt lún, hố lớn nhất rộng khoảng 40 m2, hố nhỏ nhất rộng khoảng 8 m2. Các hố sụt đã hút nước từ suối Ngàn Me gần đó chảy vào với lực hút mạnh, tạo thành xoáy nước.
Tại thửa ruộng có diện tích gần 700 m2 của bà Luân Thị Ngân, xuất hiện 2 hố sụt rộng từ 8 – 20 m2. Đến chiều ngày 23/5, các hố vẫn tiếp tục có dấu hiệu bị sạt lở và chỉ cách khu vực khai thác tầng sâu Núi Quặng thuộc mỏ sắt Trại Cau khoảng 50 m.
Nhiều hố sụt lớn xuất hiện từ đầu mùa mưa
Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu chính quyền địa phương và mỏ sắt Trại Cau có phương án bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng người dân. Đối với thiệt hại mới phát sinh, trước mắt, yêu cầu mỏ sắt Trại Cau phải có trách nhiệm rà soát, hỗ trợ các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Ngày 29/6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Chính, Phó giám đốc Sở TN&MT cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc sụt lún đất, nứt nhà, mất nước, các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Đồng Hỷ đã tích cực vào cuộc, tìm các giải pháp để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Bước đầu, có thể xác định, nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động khai thác khoáng sản. Thực tế, tại khu vực này, có 4 DN đang khai thác khoáng sản: Mỏ sắt Trại Cau thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Luyện kim đen, DN Anh Thắng và Công ty CP Kim Sơn.
Tuy nhiên, để có đủ cơ sở khoa học kết luận chính xác, Sở TN&MT Thái Nguyên đang đôn đốc và chờ kết luận của Viện Khoa học địa chất khoáng sản thực hiện Dự án nghiên cứu điều tra đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục hiện tượng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (dự án) để làm căn cứ xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị khai thác khoáng sản gây ra.
“Trong thời gian chờ đơn vị tư vấn điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu Công ty CP Gang thép Thái Nguyên tạm ứng 50% kinh phí và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ bố trí 50% kinh phí để bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Riêng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án khai thác quặng sắt mỏ Chỏm Vung Tây, xã Cây Thị của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ cũng yêu cầu DN thực hiện chi trả tiền đền bù GPMB đối với các hộ dân đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án dự án bồi thường GPMB của UBND huyện Đồng Hỷ”, ông Chính nói.
Thống nhất biện pháp giải quyết
Ngày 22/6, tại trụ sở UBND huyện Đồng Hỷ, ông Nhữ Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì Hội nghị thống nhất biện pháp giải quyết sụt lún đất, nứt nhà, mất nước tại xã Cây Thị và Thị trấn Trại Cau.
Nhà nhiều hộ dân bị nứt toác
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo về quá trình giải quyết tình trạng sụt lún đất, nứt nhà, mất nước; những đề xuất biện pháp giải quyết để ổn định cuộc sống của người dân, ông Tâm đã có những chỉ đạo quyết liệt, thể hiện trong Văn bản 106/TB-UBND tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nhữ Văn Tâm yêu cầu Sở TN&MT đôn đốc Viện Khoa học địa chất khoáng sản đẩy nhanh thực hiện dự án.
UBND huyện Đồng Hỷ chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan và Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khẩn trương tiến hành di dời, bố trí tái định cư cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nơi ở không đảm bảo an toàn do sụt lún đất, nứt nhà xong trước ngày 10/7.
Đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tiến hành san lấp ngay các khu đất nông nghiệp bị sụt lún.
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đổi thoại với người dân, tuyên truyền vận động nhân dân cùng phối hợp chính quyền địa phương giải quyết, khắc phục hiện tượng sụt lún, nứt nhà, mất nước.
Sở Tài chính khẩn trương tạm ứng 50% kinh phí để bồi thường, hỗ trợ di dời hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và kinh phí dự án.
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên khẩn trương tạm ứng 50% kinh phí bồi thường, hỗ trợ di dời 7 hộ dân; hỗ trợ kinh phí các hộ dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng do sụt lún, mất nước.
Hy vọng, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các ngành chức năng, sự đồng lòng chia sẻ lợi ích của các DN những hậu quả do khai thác khoáng sản ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau sẽ sớm được giải quyết, chấm dứt tình trạng đơn thư kéo dài.
Hoan Nguyễn