Bài 3: Phân lô “xẻ thịt đất nông nghiệp” chỉ là tranh chấp dân sự?
Tình trạng “xẻ thịt” đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất bằng hình thức phân lô bán nền, thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) vẫn diễn ra dưới mọi hình thức, từ công khai cho tới lén lút, nó giống như những chiếc vòi bạch tuộc, luồn lách vào khắp các ngõ ngách và được một số cán bộ văn phòng công chứng tiếp tay...
Khốn khổ vì mua bán bằng giấy… viết tay
Nếu search từ khóa phân lô nền tại Trảng Bom, Đồng Nai, thì trong vòng 0,69 giây cho ra 495.000 kết quả. Và đây chưa phải là tất cả những gì nói lên thực trạng phân lô bán nền trái phép - đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và huyện Trảng Bom nói riêng. Bởi thực tế, vấn nạn này còn "nóng" hơn rất nhiều.
Câu chuyện phân lô nền, không phải chỉ cò đất, đầu nậu, mà ngay cả một số cán bộ, nhân viên công quyền cũng tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Điều đó dẫn đến tình trạng bát nháo vi phạm pháp luật tràn lan. Mặc dù, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra nhiều loại văn bản, phối hợp cơ quan ban ngành, tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra, nhưng tình trạng này gần như không thuyên giảm, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, lộng hành hơn.
Cơ quan chức năng kết luận đây là tranh chấp dân sự
Trong lá đơn kêu cứu của ông Bùi Phú Minh (ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đại diện cho gần chục hộ dân, gồm các ông bà Bùi Phú Minh, Lê Văn Nhuần (Dần), Phạm Thị Yến, Đinh Trần Việt Thắng, Võ Tấn Tài, Phạm Ngọc Hà, Lê Thị Bình, Nguyễn Xuân Đang, gửi tới các cơ quan chức năng, tố cáo ông Nguyễn Văn Đình (ngụ huyện Trảng Bom), đã có hành vi lừa đảo khi mua bán đất.
Cụ thể, ông Đình, là chủ lô đất rộng 11.414 m2, trong đó chỉ có 250 m2 là đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm và đất quy hoạch hành lang lưới điện. Ông Đình đã thông qua đơn vị môi giới là Công ty Dịch vụ mua bán và cho thuê tài sản Đoàn Việt Anh, tại thị trấn Trảng Bom, cùng với sự tiếp tay của một số cán bộ Văn phòng Công chứng Phạm Minh Thành, lập phiếu thu tiền trái quy định, lập chứng nhận hợp đồng chuyển nhưỡng giữa chủ đất là ông Đình và các hộ dân đã xuống tiền mua đất.
Theo ông Minh, mỗi lô đất được ông Đình bán ra, có diện tích 100 - 150 m2, giá bán 2,5 - 3 triêu đồng/m2, tùy thuộc từng vị trí.
Văn phòng Công chứng Minh Thành công chứng xác nhận cho phần hợp đồng chuyển nhượng trái phép?
Để tạo lòng tin, ngoài giấy tờ mua bán viết tay, ông Đình còn lập hợp đồng ủy quyền phần diện tích đất (bằng diện tích mua bán) cho người mua và được Văn phòng Công chứng Phạm Minh Thành (địa chỉ tại số 565 Quốc lộ 1A, ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) xác nhận.
Ông Minh cũng cho biết: “Lúc tôi mua đất thì nhân viên Công ty Đoàn Việt Anh và chủ đất hứa hẹn sẽ làm giấy tờ nhà đất, giấy phép xây dựng đầy đủ, vì có người nhà là lãnh đạo huyện (ông Đoàn Việt Anh chính là con của 2 nguyên chủ tịch huyện Trảng Bom là ông Đoàn Hải và bà Nguyễn Thị Thành). Tin tưởng nên chúng tôi đã đồng ý mua để cất nhà, đồng thời đã trả hết tiền cho chủ đất (bên bán). Lúc mua thì lô đất đã được san nền, làm đường đàng hoàng, những tưởng sẽ cất được nhà, nhưng nay thì…”.
Được biết, hiện nay, UBND huyện Trảng Bom, UBND thị trấn Trảng Bom đã cho lực lượng cưỡng chế, giải tỏa đường bên trong khu đất, yêu cầu gia đình ông Đình trả về nguyên trạng. Những người dân không may mua trúng phần đất, đã tìm đến công ty môi giới và chủ đất để yêu cầu giải quyết, đòi lại tiền, nhưng không được giải quyết nên đã làm đơn tập thể gửi cơ quan chức năng.
Qua xem xét hồ sơ, Công an tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 587/TB-P01 ngày 24/6/2019, cho rằng đây là tranh chấp dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của phía tòa án nhân dân nên đã hướng dẫn người dân gửi đơn đến Tòa án Nhân dân huyện Trảng Bom để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trong khi đó, ông Dương Quốc Hưởng, PCT UBND thị trấn Trảng Bom cho biết, thị trấn lập biên bản đối với hộ ông Đình. Ông này cũng cam kết không làm đường nội bộ, không kéo điện và phân lô nền trái phép vào ngày 11/01/2018. Tuy nhiên, điều lạ là đến ngày 17/01/2018, ông Nguyễn Văn Đình vẫn chuyển nhượng đất cho người mua và thu tiền, điều này thể hiện rõ trên phiếu thu tiền của Công ty Đoàn Việt Anh. Đây được coi là hành vi xem thường pháp luật và cố ý lừa dối người mua hòng chiếm đoạt tài sản.
Ngày 11/1, cam kết không phân lô nền, nhưng ngày 17/1 vẫn thản nhiên nhận tiền đặt cọc?
‘Xẻ thịt’ đất nông nghiệp phân lô, chỉ là tranh chấp dân sự?
Sau nhiều lần tuyên truyền, giải thích, vân động người vi phạm, đến ngày 28/2/2018, chính quyền thị trấn Trảng Bom đã xử phạt hành chính, đồng thời cưỡng chế phần đất vi phạm, trả nguyên trạng thửa đất ban đầu.
Dự luật đặt câu hỏi:
Những sai phạm của ông Đình, đã được cơ quan chức năng xác định rõ, đồng thời ông này cũng đã viết giấy cam kết không phân lô nền trên phần đất; tuy nhiên, những người không may xuống tiền đất của ông Đình và công ty môi giới Đoàn Việt An thì sao? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ khi mà cơ quan công an đã xác định tranh chấp giữa ông Đình và các hộ dân mua đất là tranh chấp dân sự?
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (Khóa X), Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cho biết, số vụ vi phạm lĩnh vực đất đai trên địa bàn huyện Trảng Bom có giảm, nhưng tính chất các vụ vi phạm đang phức tạp hơn khi có những trường hợp sử dụng “xã hội đen” để đi chiếm đoạt, chứ không đơn thuần là tranh chấp đất đai.
Trước thực tế đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để lập lại trật tự, nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý lĩnh vực đất đai, xây dựng. Đặc biệt, cần thay thế ngay những cán bộ công chức có dấu hiệu buông lỏng, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật…
Thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 612 vụ vi phạm về xây dựng, trong đó có 402 trường hợp không phép, buộc phá dỡ 209 công trình, tập trung nhiều tại TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Nghịch lý ở chỗ, phản hồi khi báo chí phanh phui, tìm hiểu sự việc, đại diện chính quyền cơ sở thường bao biện lý do thật khó chấp nhận đó là do lực lượng chức năng mỏng, việc xây dựng vào ban đêm và ngày nghỉ cho nên khó giám sát, phát hiện. Trong khi các đầu nậu thu gom đất để rồi thỏa sức phân lô lừa gạt người dân, thì kết luận của cơ quan công an chỉ là "tranh chấp dân sự"?...
Phần diện tích đất được cơ quan chức năng xác định phân lô nền trái phép
Điều này, khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi:
Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi việc làm đường, dựng trụ điện, san lâp nền không phải chỉ diễn ra trong 1 hoặc 2 ngày?
Có hay không việc buông lòng quản lý hoặc bảo kê?
Với những phần đất sai phạm và bị buộc phải cưỡng chế sai phạm như trường hợp ông Nguyễn Văn Đình và nhiều đầu nậu khác, thì quyền lợi của khách hàng, những người không may mua phải lô đất trái phép này sẽ ra sao?
Ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi cho người dân?...
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hải Dương