Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 không tổ chức lựa chọn nhà thầu theo trình tự yêu cầu tại Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên
Sai sót ở tất cả các khâu
Kiểm toán Nhà nước vừa có thông báo kết quả kiểm toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên (Km 7+800 - Km 289+784) tới các đơn vị liên quan.
Dự án này thuộc danh mục các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được Kiểm toán Nhà nước đưa vào diện cần kiểm toán trong Quyết định số 361/QĐ - KTNN ngày 20/3/2017.
Được triển khai từ năm 2004, công trình này do Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp dự án được chỉ định là Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 (các cổ đông chính là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp - IDICO…).
Tính đến tháng 6/2017, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án là 772 tỷ đồng. Trước đó, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 đã khánh thành, đưa vào khai thác Dự án từ tháng 8/2008.
Cần phải nói thêm rằng, điểm đặc biệt của Dự án này là tỷ lệ tham gia hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước khá lớn ở hầu hết các hạng mục như: xây lắp (70/513 tỷ đồng); chi phí khác (11,1/25 tỷ đồng); giải phóng mặt bằng (195/233 tỷ đồng)… nên có thể coi đây là công trình được áp dụng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT ở dạng sơ khởi đầu tiên tại Việt Nam.
Với tính chất “sơ khởi”, việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện tại Dự án khá nhiều tồn tại, hạn chế trong hầu hết các khâu là điều đương nhiên.
Sai sót đầu tiên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan tới trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Cụ thể, theo quy định, hàng năm Bộ GTVT phải công bố danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư theo hợp đồng BOT, được quy định tại Điều 3, Nghị định số 77/NĐ - CP, ngày 18/6/1997 của Chính phủ. Tuy nhiên, do không thực hiện quy định này, nên Dự án BOT Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên không nằm trong danh mục gọi vốn đầu tư theo quy định trên.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng không tiến hành đăng tải danh mục dự án BOT trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà lại “đi tắt” bằng việc trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ định Tổng công ty Xây dựng Sông Đà làm chủ đầu tư lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 thực hiện Dự án.
Ngoài cơ sở pháp lý để thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước còn cho rằng, việc Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí trước 4 tháng so với thời gian tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình là chưa đúng quy định; khoảng cách giữa trạm thu phí của Dự án đến trạm thu phí cầu Việt Trì và trạm thu phí trên Quốc lộ 3 không đảm bảo cự ly tối thiểu 70 km quy định tại khoản 3.III, phần 2, Thông tư số 90/2004/TT - BTC.
Liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số hợp đồng xây lắp được ký trước khi hợp đồng BOT được ký, thậm chí 2 hợp đồng xây lắp ký với Công ty Xây dựng số 18, Công ty cổ phần Công trình giao thông Sông Đà được thực hiện trước thời điểm dự toán được phê duyệt.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định, Ban Quản lý các dự án 18 (nay là Ban Quản lý dự án 2 - Bộ GTVT) đã không tổ chức giám sát chặt chẽ Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 trong công tác lựa chọn các nhà thầu xây lắp. Tại Dự án này, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 không tổ chức lựa chọn theo trình tự yêu cầu mà tiến hành lựa chọn nhà thầu thi công bằng cách… bốc thăm.
Tại các hợp đồng xây lắp được ký, quy định lập sơ sài tới mức, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 và các nhà thầu thi công không thỏa thuận giá hợp đồng là trọn gói, đơn giá cố định hay đơn giá điều chỉnh; không chốt các trường hợp được điều chỉnh giá như quy định tại Thông tư số 02/2005/TT - BXD ngày 25/2/2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Giảm sâu thời gian hoàn vốn
Liên quan đến công tác nghiệm thu, thanh toán và quản lý chi phí đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Quyết định số 2579/QĐ - BGTVT ngày 20/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt chi phí dự phòng do nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Dự án là 50,1 tỷ đồng là không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3102/VPCP - CN ngày 7/6/2007 về việc điều chỉnh Dự án.
Cụ thể, Dự án được Bộ GTVT trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư theo nguyên tắc vốn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện toàn bộ chi phí đền bù GPMB, tái định cư, chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án và một phần chi phí giám sát (không có chi phí dự phòng); góp vào dự án phần tăng thêm của chi phí xây lắp do thay đổi về chính sách và biến động giá. Do vậy, theo Kiểm toán Nhà nước, việc Bộ GTVT căn cứ vào Quyết định số 2579/QĐ - BGTVT để quyết toán phần tăng thêm do thay đổi về chính sách và biến động giá 69,93 tỷ đồng, trong đó 6,439 tỷ đồng lấy từ nguồn chi phí dự phòng là không đúng chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Tại Dự án này, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc, Tổng cục Đường bộ Việt nam chưa phát hiện biến động doanh thu thu phí thực tế có giai đoạn đã vượt trên 10% so với phương án tài chính để báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh phương án tài chính theo quy định tại Điều 8 của Hợp đồng. Sai sót này được cho là đã làm lợi cho nhà đầu tư, trong khi gây thiệt hại cho người tham gia giao thông.
Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc phương án tài chính trong hợp đồng điều chỉnh tại Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên có một số thiếu sót, bất cập làm tăng chi phí đầu tư, kéo dài thời gian hoàn vốn 5 năm, từ năm 2021 lên 2025.
Sau khi căn cứ cào hợp đồng ban đầu, chi phí thực tế của đơn vị, Tổ kiểm toán cập nhật để xác định lại phương án tài chính tại Dự án giảm tới 10 năm 8 tháng thu phí, bao gồm 8 năm 5 tháng thu phí hoàn vốn và 2 năm 3 tháng thu phí tạo lợi nhuận.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nghiêm túc của Kiểm toán Nhà nước tại Dự án. Cụ thể, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 được yêu cầu tiến hành xử lý tài chính 9,4 tỷ đồng, trong đó phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý số tiền 6,489 tỷ đồng đã bố trí vượt so với văn bản số 3102/VPCP - CN ngày 07/6/2007 của Văn phòng Chính phủ.
Nhà đầu tư cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ GTVT thương thảo, điều chỉnh hợp đồng theo nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các chỉ tiêu trong phương án tài chính, khẩn trương rà soát báo cáo Bộ GTVT”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chỉ đạo.
Theo baodautu.vn