Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình là một "trái đắng" trong việc hợp tác với nhà thầu EPC Trung Quốc. Dự án có tổng mức đầu tư 667 triệu USD, do tổng thầu EPC là Tổng công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) thi công.

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư cấp than cho nhà thầu phục vụ chạy thử vượt so với hợp đồng EPC. Hợp đồng này còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử.

Nhà thầu EPC cũng thi công chậm tiến độ 420 ngày khiến phát sinh chi phí lớn. Riêng số tiền lãi vay đã trả trong thời gian hợp đồng EPC bị kéo dài là 527 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nhận bàn giao tạm thời công trình từ nhà thầu khi các thông số kỹ thuật chưa đạt, dây chuyền thiết bị hoạt động chưa ổn định.

Điểm mặt các nhà thầu Trung Quốc khiến người dân ngao ngán - Hình 1

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

Đầu năm 2017, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã được tái khởi động bất chấp những vướng mắc với nhà thầu Hoàn Cầu. Sau hơn 4 năm vận hành thương mại, chủ đầu tư và nhà thầu chưa ký nghiệm thu bàn giao dự án.

Đáng nói, nhà thầu Trung Quốc này cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.

Được biết, trong năm 2018, nhà máy đạm Ninh Bình chạy máy được 117 ngày, phải tạm dừng 7 lần do sự cố kỹ thuật, có sự cố phải mất 3 tháng mới khắc phục xong. Và trong suốt thời gian vận hành, nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, có lúc phải dừng vận hành nhà máy.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Năm 2008, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được ký kết với chủ đầu tư là Bộ GTVT. Dự án có tổng mức vốn đầu tư được phê duyệt năm 2008 là 552 triệu USD (tương đương 8.769 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc (419 triệu USD), phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công. Người dân Hà Nội khi đó được hứa hẹn đến năm 2015 sẽ thụ hưởng tuyến đường sắt trên cao vốn chỉ có ở các đô thị hiện đại trên thế giới.

Tuy nhiên, đến năm 2016, Bộ GTVT điều chỉnh tăng vốn lên 868,04 triệu USD (tăng hơn 315 triệu USD, tương đương 40% tổng mức đầu tư ban đầu), trong đó phần vốn vay của Trung Quốc 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD)…

Điểm mặt các nhà thầu Trung Quốc khiến người dân ngao ngán - Hình 2

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông gần 10 năm chưa xong

Bước sang năm 2019, những người phê duyệt, dệt lên giấc mơ đường sắt đô thị từ thế kỷ trước đã về hưu, mãn nhiệm, còn dự án bao giờ hoàn thành đưa vào vận hành vẫn chưa có lời đáp. Đáng nói, cứ mỗi ngày trễ hẹn thì dự án này phải trả lãi vay 1,2 tỷ đồng. Lãi mẹ đẻ lãi con, rồi chi phí duy tu, bảo trì, đó là chưa kể các nguy cơ hư hỏng sẽ tốn tiền sửa chữa rất bộn, hiệu quả kinh tế của dự án này vốn đã mù mờ càng trở nên hết sức xa vời.

Ngoài việc chậm tiến độ, trong suốt quá trình thi công, tổng thầu Trung Quốc ẩu đoảng, liên tục để xảy ra tai nạn. Thương tâm nhất trường hợp, thượng úy Nguyễn Như Ngọc, sinh viên Học viện An ninh. Anh Ngọc tử nạn vì thanh sắt lớn từ dự án đường sắt trên cao rơi trúng đầu từ độ cao hơn 20 m. Ngày anh gặp nạn chỉ cách ngày lấy văn bằng hai chưa đến một tuần. 

Sau gần 10 năm thi công, trải qua 3 nhiệm kỳ bộ trưởng GTVT, từ một công trình vận tải vì lợi ích dân sinh, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đã trở thành nỗi thất vọng của cả thành phố. Gánh nặng nợ công đè nặng lên mỗi người dân. Đến nay vẫn chưa có lãnh đạo nào của Bộ GTVT phải chịu kỷ luật vì để xảy ra những việc này.

Theo Bộ Tài chính, Việt Nam có 9 năm để trả nợ cả gốc lẫn lãi cho China EximBank do vay vốn để làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ai chịu trách nhiệm? Bên cạnh nguyên nhân chậm giao mặt bằng, chậm giao vốn…, trách nhiệm chính phải chỉ thẳng ra là do tổng thầu.

Hằng Vương (t/h)