Tuy nhiên, việc quy hoạch phát triển đô thị này đã không nhận được sự đồng tình của người dân vì có nhiều bất cập...
Triển khai làm đường gom, bất nhất từng ngày?
Theo dự án, công trình sửa chữa nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương được triển khai xây dựng từ tháng 3/2016. Công trình được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, có chiều dài khoảng 1 km; giai đoạn 2 có chiều dài khoảng 2 km. Công trình 2 bên đường Hùng Vương, được chia làm 3 hạng mục, bao gồm: 3 m sát làn đường ô tô, sẽ được xây dựng thành bồn hoa, cây cảnh; 3m tiếp theo làm đường xe máy chạy (đường gom) và 3 m còn lại được dùng làm vỉa hè.
Trước khi triển khai thực hiện đường gom, UBND huyện Chư Sê không hề tiến hành trưng cầu ý dân mà chỉ ra thông báo rồi bắt người dân phải tuân theo? Khi triển khai làm 1 km đường gom đầu tiên, người dân đã có ý kiến không đồng tình với công trình. Thế nhưng, UBND huyện Chư Sê “phớt lờ” ý dân với lý do “nguồn vốn xây dựng công trình không phải do dân đóng góp nên không phải thông qua dân” (?!). Quá bức xúc, người dân đã phải gửi đơn thư cầu cứu đến một số cơ quan báo chí, trong đó có Báo Thương hiệu & Công luận, cùng các cơ quan chức năng của tỉnh.
Trong đơn thư kêu cứu, người dân đặt nhiều câu hỏi, thắc mắc về tiêu chuẩn mở đường gom vì độ rộng đường gom bất nhất.
Cụ thể, ở giai đoạn 1, phần dành cho xe chạy của đường gom được mở rộng 3 m, nhưng giai đoạn 2 thì người dân được chính quyền thông báo sẽ mở rộng 4 m. Bên cạnh đó, theo nội dung đơn thư kêu cứu của người dân thị trấn Chư Sê thì, Chính phủ đã có ý kiến về Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, thời gian thực hiện từ 2017 – 2018. Đây là tuyến đường được xây dựng nhằm cải thiện hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực, giảm tải, giảm lượng xe cho tuyến QL14 hiện tại, qua khu vực trung tâm thị trấn Chư Sê. Như vậy, việc xây dựng đường gom cấm các phương tiện có trọng tải lớn là cần thiết hay một sự lãng phí?
Không chỉ vậy, người dân còn phản ánh việc UBND huyện Chư Sê không nhất quán trong giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân, sau khi đập một phần nhà để lùi vào 3 m từ vỉa hè theo thiết kế làm đường gom, nhưng chỉ mấy ngày sau lại được lãnh đạo huyện Chư Sê chỉ đạo lùi vào 17,5 m theo tim đường (tức là lùi vào thêm khoảng 1 m)? Người dân lại phải đập lùi nhà, xây và sơn sửa lại. Song vài hôm sau, lãnh đạo huyện Chư Sê lại yêu cầu tiếp tục lùi 19,5 m theo tim đường?
Đường gom đối với người dân là con đường… “đau khổ”
Người dân sinh sống 2 bên đường Hùng Vương (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) rất hoang mang, bức xúc trước chủ trương xây dựng đường gom của huyện. Người dân khẳng định: Trước khi quyết định chủ trương xây dựng đường gom, các cấp chính quyền huyện Chư Sê chưa tổ chức bất kỳ một cuộc họp, đối thoại nào với bà con thị trấn Chư Sê để lấy ý kiến những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án này?
Anh Phan Văn Chất (SN 1974, chủ đại lý VLXD Bốn Chất, thị trấn Chư Sê) cho biết: “Các hộ kinh doanh như chúng tôi rất khổ sở, kể từ khi huyện triển khai thực hiện đường gom. Đường gom hạn chế xe ra vào, việc nhập - xuất hàng hóa rất khó khăn, những hàng hóa có khối lượng lớn không thể vận chuyển”.
Bà Võ Minh Huệ (SN 1955, trú tại 698 Hùng Vương, Chư Sê, Gia Lai) cùng nhiều hộ kinh doanh khác bức xúc: “Trước đây, chúng tôi kinh doanh buôn bán khá đông khách, nhưng từ khi có đường gom thì việc mua bán bị trì trệ, giảm trên 50% lợi nhuận, khách hàng thưa thớt. Trong khi đó, chúng tôi vẫn đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ. Chúng tôi nghĩ, việc xây dựng đường gom không cần thiết vì không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, gây khó khăn trở ngại lớn trong việc kinh doanh của người dân, mà còn thu hẹp diện tích tham gia giao thông, từ đó sinh ra nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều hộ kinh doanh phản ánh những bất cập trong việc triển khai đường gom như đẹp đâu không thấy, chỉ thấy khổ dân, biết bao nhiêu hạng mục khác cần làm thì huyện không triển khai cho đồng bộ…
“Hai năm qua, kể từ khi đường gom triển khai thực hiện, người dân chúng tôi không làm ăn buôn bán được gì, hàng hóa, nước ngọt mua về là hết hạn đem đổ. Tiền thuế thì huyện nói miễn giảm, nhưng chúng tôi có thấy miễn giảm đồng nào đâu, phải đóng đầy đủ không thiếu tháng nào; còn việc dỡ bỏ mặt bằng thì chúng tôi đã phải đập bỏ đến lần này là lần thứ 3!
Tôi vừa sửa lại nhà, còn nợ tiền công thợ, chứ tiền đâu mà trả? Chính quyền quá ép dân. Bà con chúng tôi ngày nào cũng mong chờ một ngày nào đó có ai nhà báo ở đâu về viết bài, phản ánh thực tế để cứu người dân chúng tôi, chứ kiểu này bà con khổ lắm…!”, bà Phạm Thị Thủy (SN 1965, trú tại 696 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) nói.
Vì quá nhiều bất cập từ dự án đường gom, 17 hộ dân có đơn thư kêu cứu gửi các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai. Theo phản ánh của người dân, ngày 20/3/2017, UBND thị trấn Chư Sê mời các hộ dân đến để thông báo nội dung trả lời của UBND huyện Chư Sê. Tuy nhiên, UBND thị trấn chỉ trả lời miệng mà không có văn bản. Nội dung trả lời: Việc mở đường gom, không dựa vào nguồn vốn do dân đóng góp nên không phải lấy ý kiến của nhân dân (!).
Bà Nguyễn Thị Kiều Sương (SN 1969, trú tại 958 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê) cho biết: Tôi là một trong 17 hộ dân được mời làm việc ngày 20/3, lãnh đạo thị trấn nói chỉ có quyền thông báo, không có chỉ thị trả lời dân (?!).
Người dân phản ánh đường gom gây bất tiện cản trở các phương tiện xe ra vào, cản trở hoạt động kinh doanh
Cơ quan nào thẩm định và cấp phép?
Để tìm hiểu sự việc khách quan, đa chiều, ngày 25/4, nhóm PV đã có buổi làm việc với UBND huyện Chư Sê.
Trả lời các câu hỏi của PV, ông Trần Văn Lam, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê) cho biết: Dự án đường gom là chủ trương của Huyện ủy và UBND huyện Chư Sê. Những hộ dân kinh doanh, muốn có đường lớn để xe lớn vô, nhưng huyện đã tổ chức đối thoại và trả lời là không được!
Hỏi về việc “có sự bất nhất về độ rộng đường gom ở 2 giai đoạn?”, ông Lam trả lời: “Vì giai đoạn 1 làm 3 m thấy hơi chật nên qua giai đoạn 2 mở rộng thêm thành 4 m, đây là phương pháp tiên tiến hơn. Hiện không có quy định về độ rộng của đường gom nên ngân sách bao nhiêu thì làm bấy nhiêu thôi”.
Để tìm hiểu đường gom được làm theo tiêu chuẩn nào, nhóm PV đề nghị ông Lam được tiếp cận hồ sơ công trình, nhưng ông Lam từ chối vì cho rằng hồ sơ chỉ cung cấp cho bên thanh tra kiểm tra.
PV tiếp tục hỏi về tính pháp lý của dự án, ông Lam trả lời: “Không nắm được cơ quan nào cấp phép!”. Tuy nhiên, để làm đường gom, các sở Xây dựng, Giao thông Vận tải đã thẩm định, chỉ đạo thì huyện mới làm được”.
Khi phóng viên đề nghị cung cấp hoặc xem văn bản phê duyệt, thẩm định của Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải thì ông Lam cho biết “không cung cấp được”.
Phóng viên có đề nghị ông Lam báo cáo lại đề nghị của PV với lãnh đạo UBND huyện, nhưng ông Lam nói: “Tôi đã làm việc với nhiều nhà báo rồi và chỉ trao đổi bấy nhiêu nội dung đó thôi, có trao đổi lại với lãnh đạo UBND huyện thì lãnh đạo cũng không cho cung cấp” (?).
Ở một khía cạnh khác, việc người dân phản ánh phải tháo dỡ nhà lùi vào 3 lần, theo chỉ đạo của Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, ông Lam khẳng định, chỉ triển khai 1 lần. Huyện chỉ đạo giải phóng mặt bằng là 17,5 m, còn 19,5 m là chỉ giới xây dựng, phải chừa 2 m thông thoáng, tránh che mất tầm nhìn giao thông.
PV tiếp tục đặt câu hỏi: Vì sao có tình trạng người dân phải “đập đi xây lại” nhiều lần?
Ông Lam trả lời: Đã triển khai và hướng dẫn rõ rồi (?!).
Trước những thông tin còn rất mơ hồ về tính pháp lý của dự án đường gom, người dân thị trấn Chư Sê có ý kiến đề nghị các cấp chính quyền cần thành lập đoàn kiểm tra về tính pháp lý của dự án, vì cần minh bạch thông tin.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nói gì? Ngày 26/4, làm việc với PV, ông Đỗ Tiến Đông, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết: Dự án đường gom thuộc chỉnh trang vốn của huyện Chư Sê. Việc kiểm tra hồ sơ không thuộc trách nhiệm của Sở. Sở Xây dựng không thẩm định, phê duyệt và cũng không cấp phép cho dự án trên. Trong khi ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho hay: Sở có nhận được đơn thư của người dân và đang tiến hành họp, sau đó phối hợp với huyện Chư Sê để giải quyết. Ông Quế cũng khẳng định Sở không thẩm định, phê duyệt và cấp phép cho dự án đường gom Chư Sê…
Đường gom là đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính (Điều 3 - Luật Giao thông đường bộ).
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn biến mới.
Kim Yến