“Tiến thoái lưỡng nan”

Dự án làng Đại học Huế - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/3/1998, thuộc địa phận của 2 phường An Tây và An Cựu với tổng diện tích 120ha (các trường đại học hiện có là 26,5ha).

Theo chủ trương ban đầu, dự án được chia thành 2 giai đoạn bắt đầu từ năm 1999 đến dự kiến là tháng 3/2018. Thế nhưng, khi dự án chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc, nhưng công tác giải phóng mặt bằng chỉ được một nửa (khoảng 60ha).

Dự án làng Đại học Huế: Đi không được, ở không xong! - Hình 1

Cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn khi nằm trong vùng quy hoạch dự án làng Đại học Huế

Cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 2km, nhưng chính vì sự trì trệ của dự án mà nhiều ngôi nhà của người dân thuộc phường An Tây và An Cựu vẫn trong tình trạng che chắn tạm bợ, lụp xụp, có những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng và vô cùng nhếch nhác khác hẳn với bộ mặt của thành phố đang thay đổi từng ngày.

Theo ghi nhận của PV, hầu như mọi ngôi nhà nằm trong vùng dự án đều đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, những căn nhà tạm bợ, lụp xụp được che chắn bằng những tấm tôn cũ nhưng không được sửa chữa vì nằm trong vùng dự án.

Bà Nguyễn Thị Bé (50 tuổi, khu vực 4, phường An Cựu) bức xúc: “Gia đình tôi sinh sống ở đây cũng đã hơn 20 năm. Nhà thì xuống cấp, các con ngày một lớn, muốn sữa lại ngôi nhà để ở nhưng không được vì nằm trong vùng dự án. Gia đình thì cũng mong được giải tỏa để ổn định cuộc sống mà không thấy gì cả. Cuộc sống thì khó khăn, kiến nghị hoài vẫn thế, không thấy có chuyển biến gì...

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Huỳnh Thị Hồi (54 tuổi, tổ 21, KV4, phường An Cựu) bày tỏ: “Ngôi nhà tôi đang ở hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng khổ nỗi vì nằm trong dự án quy hoạch làng Đại học Huế nên có muốn sửa cũng không được vì chính quyền địa phương không cho xây dựng. Thương nhất là mấy đứa nhỏ, mùa hè thì nóng nực, mùa mưa thì ẩm ướt vì nhà bị nhột".

Dự án làng Đại học Huế: Đi không được, ở không xong! - Hình 2

Những căn nhà được che chắn tạm bợ, nay đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa do nằm trong vùng quy hoạch của dự án

Ông Đoàn Bình Lương, Phó chủ tịch UBND phường An Cựu cho biết, dự án làng Đại học Huế kéo dài khiến cuộc sống người dân ở đây bị đảo lộn. Nhiều hộ dân nhà cửa xuống cấp trầm trọng mà không đền bù hay giải tỏa khiến người dân phải sống trong cảnh chờ đợi, thấp thỏm lo âu rất khổ sở.

“Treo” đến khi nào?

Theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt thì làng Đại học Huế sẽ là một tổng thể hoàn chỉnh, hiện đại với các khu học tập, nghiên cứu và phục vụ điều hành của tất cả các trường đại học tại Huế; khu ký túc xá với trung tâm dịch vụ công cộng; khu cây xanh công viên, thể dục thể thao được bố trí tại trường học và đệm giữa khu nghiên cứu với khu ký túc xá. Làng Đại học Huế quy mô đủ để đào tạo khoảng 30.000 sinh viên hệ chính quy.

Theo đó, dự án làng Đại học Huế được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Bước 1 được thực hiện từ năm 1999 - 2005 với tổng mức đầu tư trên 69 tỷ đồng; bước 2 được thực hiện từ 2006 với tổng mức đầu tư trên 349,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2 được phê duyệt cuối năm 2014 với mức đầu tư 259 tỷ đồng, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2018.

Mặc dù chỉ còn vài tháng nữa là dự án sẽ kết thúc theo như phê duyệt ban đầu, thế nhưng đến nay tiến độ của dự án vẫn đang ỳ ạch không biết có kịp về địch đúng hạn như ban đầu?

Dự án làng Đại học Huế: Đi không được, ở không xong! - Hình 3

Bản đồ tổng thể dự án làng Đại học Huế

Lý giải về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại hoc Huế cho biết đang vướng ở khâu giải phóng mặt bằng và đền bù. “Có một mâu thuẫn là đền bù thì thiếu tiền, mà nhu cầu giải tỏa thì nhiều. Đại học Huế đang trình việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh lên Bộ Giáo dục & Đào tạo và Thủ tướng, nhất là xin thêm kinh phí giai đoạn 2 nhưng sự thật là cấp trên quá khó khăn...”, ông Linh giải thích.

Để hiểu rõ hơn chúng tôi đã liên hệ với ông Ngô Văn Tuấn, Trưởng ban cơ sở vật chất Đại học Huế thì được biết, tới nay sau gần 20 năm thực hiện, dự án đã xây dựng các công trình như Khoa Giáo dục thể chất, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Nhà thi đấu thể thao Đại học Huế, 10 khu ký túc xá sinh viên.

Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ông Tuấn cho rằng, còn nhiều bất cập và mới đền bù và di dời 46/238 hộ, số còn lại chưa đủ kinh phí và có nhiều hộ xây dựng nhà cửa trái phép. “Chúng tôi cũng như tỉnh đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ, ban, ngành cấp vốn đền bù dứt điểm để di dời người dân đến nơi ở mới cho người dân bớt khổ cực”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn còn cho biết, Đại học Huế cũng như tỉnh cũng đã kiến nghị nhiều lần đề nghị các bộ, ban, ngành cấp vồn đền bù dứt điểm (khoảng 150 tỷ đồng) nhằm giúp cho đời sống người dân bớt khó khăn hơn, nhưng chưa biết khi nào xong...

Nguyễn Quốc