Bài 5: BR-VT “miền đất hứa” mới của các dự án ma

Những tưởng, sau câu chuyện của Alibaba, tình trạng phân lô, bán nền trái phép tại tỉnh BR-VT sẽ được khắc phục triệt để; tuy nhiên, thay vì làm ăn chân chính, giới cò mồi lại lợi dụng dư luận chỉ đang tập trung theo dõi câu chuyện của Alibaba, bắt tay nhau kéo về Bà Rịa, Long Điền, Xuyên Mộc… lập nhiều dự án ma như là một miền đất hứa mới.

Ai tiếp tay Thaco Land và Tech Việt Nam lập dự án ma Bà Rịa Garden?

Như đã đề cập trong bài viết trước, do vô tình trong quá trình tìm hiểu về cách thức lợi dụng danh nghĩa của các doanh nghiệp uy tín để bán hàng của các nhà môi giới bất động sản, chúng tôi đã được giới thiệu dự án đất nền có tên Bà Rịa Garden.

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Quảng cáo về dự án Bà Rịa Garden trên website chính thức của Tech Việt Nam

Theo thông tin từ các nhân viên môi giới của Công ty Tech Viet Nam thì, dự án Bà Rịa Garden có diện tích 11.681 m2, tại xã Hòa Long, Trung Tâm TP. Bà Rịa, liền kề các dự án Lan Anh 1, Lan anh 4 và khu nhà vườn Hòa Long, gần Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa 700 giường, gần chợ Hòa Long, chợ Long Điền, trung tâm thương mại Bà Rịa, Trung tâm hành chính Bà Rịa.

Đặc biệt, dự án Bà Rịa Garden với cơ sở  hạ tầng hoàn thiện, pháp lý minh bạch, nằm trong quy hoạch sử dụng đất ở tại đô thị của TP. Bà Rịa - sẽ mang lại giá trị cao cho khách hàng và nhà đầu tư.

Nhưng thực chất, Dự án Bà Rịa Garden chỉ là khu đất gồm các thửa đất 803, 811 (1418,9m2); 772,786 (2777,9m2); 1861 (560,5m2); các thửa 787, 793, 802, 800, 801, 810 (2818,1m2) và thửa 2806 (3540,7m2), đều thuộc Tờ bản đồ số 45 tại xã Hòa Long, TP, Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu). Các thửa đất này là sở hữu của bà Nguyễn Ngọc Giàu (thường trú tại khu phố Đông An, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Bà Giàu đã ký hợp đồng ủy quyền cho Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Đại Thành Công (ThacoLand - trụ sở tại số 63/36 đường số 9, khu phố 3, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. HCM) vào ngày 3/8/2019, để công ty này phân phối đất nền tại các thửa đất nêu trên và ký hợp đồng, nhận cọc từ khách hàng.

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Quảng cáo về dự án Bà Rịa Garden trên website chính thức của Thaco Land

Có thể thấy, cái được gọi là dự án Bà Rịa Garden, thực chất chỉ là khu đất tư nhân được bà Giàu xin tách thửa. Không hề có hồ sơ dự án, không được phê duyệt 1/500, không có giấy phép xây dựng.

Vậy ‘thế lực’ nào đã tiếp tay cho bà Giàu và Thaco Land có thể tự do san lấp mặt bằng, làm đường giao thông nội bộ như hiện nay?

Chính quyền xã Hòa Long có biết hay đã làm ngơ và chờ một sự kiện như Alibaba lần thứ 2 thì mới chẳng đặng đừng cưỡng chế phá đường?

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Hình thực tế dự án Bà Rịa Garden được đăng trên website của ThacoLand

Trở lại với câu chuyện của dự án Bà Rịa Garden, một mánh khóe khá tinh vi đã được đưa ra để xoay vần khách hàng trong vòng xoáy pháp lý khi có rủi ro, khách hàng sẽ là người chịu hoàn toàn thiệt hại và không biết phải cầu cứu nơi đâu… đó là việc mập mờ danh tính đơn vị đầu tư, đơn vị phát triển… Theo hợp đồng ủy quyền mà bà Giàu đã ký cho đơn vị toàn quyền phân phối và nhận cọc của khách hàng là Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Đại Thành Công. Nhưng chúng tôi tìm mãi thông tin về công ty này thì hoàn toàn… bất lực.

Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông và trên cả website chính thức thì hiện nay, rao bán và tuyên bố là chủ đầu tư hoặc đơn vị phát triển dự án Bà Rịa Garden lại chính là Công ty CP Thaco Land, có trụ sở chính tại 88-88A đường D2, phường 25, Quận Bình Thạnh (TP. HCM). Xét về mặt hành chính thì, Thaco Land và Đại Thành Công là 2 công ty hoàn toàn khác nhau, nhưng thực chất 2 công ty này có cùng Tổng giám đốc là ông Lê Văn Thiệp.

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Tiến độ thanh toán dự án được môi giới đưa ra, kèm theo là sơ đồ quy hoạch đất ở nông thôn để lấy lòng khách hàng

Do đó, việc khách hàng xuống tiền giữ chỗ, đặt cọc tại dự án ma này với Tech Việt Nam hoặc Thaco Land đều mang rủi ro rất lớn. Ngoài ra, còn một điều rất nguy hiểm nữa đó là tiến độ thanh toán đang được các đơn vị môi giới này đưa ra rất sát sao: 95% sau 7 hoặc 15 ngày đặt cọc. Còn thời gian mở bán của dự án thì có lẽ chỉ đến trong mơ, vì chẳng đơn vị nào dám nhắc đến.

Bà Rịa – Vũng Tàu còn có bao nhiêu dự án “ma”?

Giữa ma trận Bà Rịa Garden, một câu hỏi bất chợt hiện lên đó là Bà Rịa – Vũng Tàu còn có bao nhiêu dự án “ma”?

Rõ ràng, tình trạng phân lô bán nền trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra rất phức tạp trong thời gian qua. Điều này, không những làm phá vỡ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, đô thị của địa phương, mà còn gây bức xúc và tạo dư luận không tốt trong nhân dân.

Theo kết quả khảo sát được công bố của HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 7/2019 cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 191 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa. Trong đó, có 72 trường hợp có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND huyện, thị xã, thành phố; 119 trường hợp đầu tư phân lô, tách thửa không phép. Diện tích khu đất vi phạm lớn nhất là 13 ha, nhỏ nhất khoảng 0,5 ha. Tình trạng san lắp mặt bằng thay đổi hiện trạng đất, phân lô, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại các địa phương hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp, tăng về số lượng và mức độ công khai.

Bên cạnh những trường hợp thực hiện không phép thì ở một số địa phương, nhiều trường hợp đã được chính quyền địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư, đã đầu tư hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất và cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiệm thu công trình. Ngoài ra, còn do một số tổ chức, cá nhân cố tình làm sai quy định của Nhà nước, tự ý làm đường trên đất nông nghiệp thực hiện mục đích phân lô, bán đất nền trái phép để trục lợi.

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Một dự án ma hoành tráng đang được chào bán tại phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa

Để thể hiện quyết tâm chấn chỉnh vấn nạn này, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 22/7/2019 quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh. Quyết định này có hiệu lực từ 2/8/2019 và thay thế Quyết định số 23 năm 2017 còn bộc lộ nhiều hạn chế, là nguyên nhân dẫn tới việc cá nhân tách thửa, phân lô bán nền tràn lan trước kia.

Tại các kỳ họp gần đây của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đều thẳng thắn thừa nhận, quy định khá chi tiết, cụ thể về tách thửa đất có hình thành đường giao thông tại Quyết định 23 cũ đã bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để xin làm đường vào các khu đất xin tách thửa, phân lô. Đặc biệt, ở các dự án “ma” đều đã lợi dụng quy định này để làm rất nhiều đường trái phép trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền…

Còn ở Quyết định 18 mới, quy định này đã rút gọn hơn, nhưng chặt chẽ hơn. Cụ thể, thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu, do Nhà nước quản lý. Trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa (nếu có), người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông; việc cấp phép hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, được thực hiện trước khi lập thủ tục tách thửa.

Ngoài ra, nếu ở Quyết định 23 cũ chỉ quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, nghiệm thu việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, thì ở Quyết định 18 mới đã ghi rõ hơn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Sở Xây dựng. Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành hướng dẫn việc hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. UBND cấp huyện khi kiểm tra, nghiệm thu đường giao thông mới hình thành cũng phải theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Quy định của tỉnh ban hành là vậy. Nhưng trên thực tế, vẫn không thay đổi được cục diện là mấy, “Dự án ma mới” vẫn nhen nhóm bên cạnh “dự án ma cũ” - vô tình được Quy định 18 “thừa nhận. Vì theo Điều 8 của Quyết định 18, lại nêu rõ: “Các trường hợp hồ sơ tách thửa đã được tiếp nhận hợp lệ trước ngày Quyết định 18 có hiệu lực (không thuộc trường hợp có hình thành đường giao thông mới) và các trường hợp đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định 23”.

Tuy nhiên, điều này lại mâu thuẫn với chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Khóa 6) đó là: “Phải kiểm tra lại 72 “dự án” (trong tổng số 191 “dự án” cá nhân xin làm đường giao thông để tách thửa, qua đó tự phân lô, bán nền - PV) đã được cơ quan thẩm quyền cấp huyện cấp phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Lý do, việc cá nhân xin làm đường rồi tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng và phân lô, bán nền như một dự án bất động sản trên không đúng với mục tiêu dân sinh của Quyết định 23 và sai với Luật Nhà ở”.

Dự án “ma” và những cú lừa của giới

Một “đại dự án ma” tại phường Long Tâm, TP. Bà Rịa, đang mua bán rầm rộ, thâm chí thông báo giao nền cho khách hàng, trong khi còn là những bãi đất trống và chưa có pháp lý?

Như chúng tôi chia sẻ từ đầu bài viết, câu chuyện Alibaba mà dư luận quan tâm trong thời gian qua tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ là giọt nước tràn ly, minh chứng cho sự quản lý lỏng lẻo, vô trách nhiệm của các địa phương trước thực trạng phân lô bán nền trái phép trong thời gian dài.

Và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang là vùng đất hứa mới cho các “dự án ma” mà chúng tôi sẽ tiếp tục gọi tên để quý vị cảnh giác trong các bài phóng sự tiếp theo...

Lê Vũ – Bảo Trần