THCL Qua 13 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh phí và lệ phí đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, một số quy định đến nay không còn phù hợp. Vừa qua, UBTV Quốc hội đã nhất trí nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật.

Theo đó, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung những hạn chế, bất cập trong Pháp lệnh Phí và lệ phí hiện hành để trình Chính phủ cho ý kiến, trước khi trình Quốc hội vào đầu năm sau.

Pháp lệnh: Nâng lên thành luật

Có thể nêu ra những vấn đề bất cập tồn tại  của Pháp lệnh Phí và lệ phí như các khoản phí theo kiểu “hành dân”, “hành DN”; phí chồng phí; thu phí trái thẩm quyền; những khoản phí vô lý gây bức xúc trong dư luận, thậm chí có những khoản thu không được bao nhiêu, nhưng tiền nuôi bộ máy để đi thu còn nhiều hơn cả tiền thu về… Từ yêu cầu bức xúc của thực tiễn - đòi hỏi những khoản phí vô lý trên phải được dỡ bỏ để phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, khoản thu phí và lệ phí chiếm 3,6% số thu của đơn vị. Tuy số thu từ phí và lệ phí không lớn, nhưng tác động đến đối tượng tương đối rộng. Có rất nhiều phí, lệ phí, chính sách quản lý còn chồng chéo, cách quản lý chưa được chặt chẽ, tính pháp lý chưa cao… Tình trạng này, khiến việc thực thi chưa được triệt để.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, việc nâng lên thành Luật Phí và lệ phí là hoàn toàn thỏa đáng. Pháp lệnh trước đây chỉ mang tính tương đối và thời điểm, chứ không phải cơ sở pháp lý để áp dụng lâu dài.

Tại Phiên họp của UBTV Quốc hội thảo luận về Dự án Luật phí và lệ phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ: Chính sách phí, lệ phí là một khâu trong hoạt động cung cấp dịch vụ công; việc hoàn thiện chính sách phí, lệ phí sẽ góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực. Từ đó, góp phần giảm chi phí hành chính, minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện theo cơ chế giá

Theo quan điển của ông Đức, vấn đề lớn nhất trong Dự thảo Luật Phí và lệ phí lần này là chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá. Trước đây, chúng ta vẫn hình dung nguyên tắc phí là để thu về NSNN. Tuy nhiên, trong Điều 18 Pháp lệnh Phí và lệ phí cũ quy định có những loại phí do tư nhân đầu tư ban đầu, hoặc mua lại của Nhà nước thì vẫn phải tính theo cách thu và cách quản lý phí của Nhà nước ban hành…Tôi cho rằng, quy định này không còn phù hợp. Đối với Dự thảo Luật lần này - đã chuyển những dạng như vậy sang giá và cơ chế giá. Nghĩa là người cung cấp dịch vụ được quyết định mình cung cấp dịch vụ với giá bao nhiêu và thu về như thế nào…

Tuy nhiên, việc chuyển đổi vẫn chưa triệt để, bởi trong Dự thảo vẫn duy trì một số loại phí theo pháp lệnh. Ví dụ, phí sử dụng dịch vụ đường bộ, hiện đang áp dụng cả 3 cơ chế (vừa của NSNN, vừa không phải NSNN, vừa áp dụng cơ chế giá) và vẫn đang trong hình thức thí điểm. Thời gian thí điểm cũng tương đối dài (từ năm 2007 đến nay), đây cũng là thời điểm chúng ta nên chuyển sang cơ chế giá.

“Khi chuyển sang cơ chế giá, tác động lớn nhất sẽ là xã hội hóa và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Nếu có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thì việc áp dụng cơ chế giá là hoàn toàn hợp lý. Hiện tại, cơ chế can thiệp thông qua Luật Giá, là cơ chế chấp nhận được. Song, để tiệm cận cơ chế hoàn hảo thì phải nói đến cơ chế chia tách. Thay vì để một đơn vị cung cấp, Nhà nước chia tách thành nhiều đơn vị cùng tham gia, có như vậy thế độc quyền sẽ không còn, người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng dịch vụ tốt nhất”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, cần chuyển 6 loại phí đang thu theo Pháp lệnh Phí và lệ phí sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, gồm: phí giám định tư pháp; phí đấu thầu; viện phí; phí kiểm định phương tiện đo lường; phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu; phí bảo lãnh, thanh toán khi được cơ quan, tổ chức cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán… Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất đưa học phí, phí dự thi - dự tuyển ra khỏi danh mục Pháp lệnh Phí hiện hành. Bởi, khi chuyển sang cơ chế giá thì học phí, phí dự thi - dự tuyển vẫn do Nhà nước định giá theo quy định của Luật Giá, do đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng đi học

Bùi Quyền