Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bộ KH&CN sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Đảng, liên quan đến lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

Bộ KH&CN tập trung xây dựng luật/lập đề nghị xây dựng 4 Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST, gồm:

Xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; hoàn thiện lập đề nghị xây dựng 3 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Bộ cũng có kế hoạch xây dựng, trình Chính phủ 5 nghị định, trong đó có một số nghị định quan trọng cần được ban hành để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ Luật KH&CN được sửa đổi, bổ sung, như:

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN; Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, Bộ cũng sẽ tập trung triển khai các Chiến lược đã được ban hành trong lĩnh vực KH&CN, như Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030. Để thực hiện các Chiến lược này, trong 2 năm vừa qua, Bộ đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia, đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các chương trình trong giai đoạn mới. 

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Năm 2024, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” nhằm đề xuất phương án triển khai trong giai đoạn tới. Bộ cũng sẽ xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường KH&CN đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập; nghiên cứu, đề xuất thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, ĐMST trong doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.

Về hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Bộ sẽ tập trung xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Về sở hữu trí tuệ, nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Bộ cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Về các nhiệm vụ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với vai trò được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) của WIPO, năm 2024, Bộ sẽ tập trung tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời để Việt Nam sẽ tiếp tục đứng trong nhóm 4 quốc gia dẫn đầu của ASEAN về Chỉ số ĐMST quốc gia.

Minh Anh(T/h)