Những ngày qua, trái tim cả nước hướng về miền Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Nhiều hình ảnh, thông tin từ vùng lũ khiến chúng ta quặn thắt vì xót xa, đau đớn và mất mát. Những nỗi đau không thể nói thành lời. Có gia đình giờ còn lại chiếc bàn thờ với ba di ảnh của những người thân yêu. Vừa mới đây thôi họ còn cùng ăn chung mâm cơm, cùng cười đùa qua điện thoại. Giờ đây, chỉ còn lại những khuôn mặt mờ ảo qua khói hương nghi ngút, cùng đôi mắt khô cạn của những người sống sót.
Trong sự im lặng đáng sợ đó, nỗi đau dường như không có giới hạn, không có ngôn từ nào diễn tả được. Sự bất lực của con người trước thiên nhiên đôi khi không chỉ là việc không thể cứu vãn những gì đã mất, mà còn là không thể nói ra được hết những gì đang nhói lên trong lòng. Mất mát này, nỗi đau này, có lẽ sẽ mãi còn đó, trở thành ký ức đau thương của những người ở lại.
Không ai bảo ai, khi đồng bào gặp khó khăn, tất cả đều muốn chung tay, góp một phần công sức của mình. Người ít, người nhiều, nhưng những sự hỗ trợ ấy, đang trở thành phong trào mạnh hơn bao giờ hết, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”… dần dần giúp những nơi người dân gặp hoạn nạn ổn định lại cuộc sống của mình.
Hầu hết những đoàn thiện nguyện đều do một vài cá nhân đại diện chịu trách nhiệm quyên góp, vận chuyển đồ do những nhà hảo tâm gửi tặng. Sau đó họ sẽ tiến hành đến những điểm cần được giúp đỡ (đã khảo sát trước) để trao quà. Và chẳng mấy ai trong số họ cần và cũng không có suy nghĩ phải “đánh bóng tên tuổi”, việc làm của mình bằng những hình ảnh, những khẩu hiệu ồn ào rồi đăng tải lên mạng xã hội.
Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có những chuyện “phiền lòng” mà chỉ những người trực tiếp đi làm cái công việc mà thiên hạ thường bảo là “bao đồng” ấy mới phải gặp và gặp phải. Có những tổ chức, cá nhân bên cạnh đóng góp của mình, thường đưa ra những “yêu cầu” trái khoáy, như phải in biển tên của họ rồi chụp ảnh phần quà họ quyên tặng với người được nhận, để về đăng lên mạng xã hội.
Việc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan mặt trận các địa phương lần lượt đăng tải hàng chục nghìn trang sao kê tài khoản ngân hàng tiếp nhận tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Những ngày này, cụm từ “phông bạt” được người ta nhắc đến nhiều, chủ yếu sau sự việc UB TƯMTTQ công bố danh sách những tập thể, cá nhân quyên góp ủng hộ đồng bào chịu ảnh hưởng sau cơn bão số 3 vừa qua…
Trước đó, một số người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (Kols) đã đăng ảnh ủng hộ người dân vùng bão lũ số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, bản sao kê từ cơ quan chức năng lại không thể hiện như vậy.
Một Kols có hàng nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội sau khi bị " bóc phốt " số tiền chuyển khoản khác xa với ảnh chụp đăng lên trang cá nhân đã phải cúi đầu nhận lỗi. " Xin lỗi mọi người vì sự phông bạt. Những hình ảnh, thông tin mọi người nhận được là thật. Và việc mình phông bạt cũng là thật ".
Ngoài các cá nhân, cộng đồng mạng cũng bất ngờ với việc nhiều " tập thể, đơn vị " chuyển tiền ủng hộ nhưng số tiền chỉ từ 2.000 - 15.000 đồng. Đồng ý! Thiện nguyện là một câu chuyện nhân văn, số tiền tùy tâm là để người nhỏ góp sức nhỏ, người lớn đóng góp lớn. Ấy vậy, nó cũng chính là cơ hội cho những người muốn đánh bóng tên tuổi, tận hưởng niềm vui tán dương trên mạng xã hội.
Một tấm ảnh chụp bill chuyển khoản vài chục, vài trăm triệu đồng, được đổi thành hàng chục nghìn lượt like, share và comment tán dương. Một video ghi lại số tiền ủng hộ giúp Tiktoker thu về hàng triệu lượt xem… Thế nhưng chỉ sau 2 ngày UBMTTQ Việt Nam sao kê, “vở kịch” của các cá nhân tự cho mình là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã được phơi bày. Trong đó, họ chỉ chuyển khoản số tiền 20.000 đồng 50.000 đồng, 100.000 đồng… để dễ dàng “phù phép” lên số tiền 20 triệu đồng, 50 triệu đồng, thậm chí 1 tỷ, 10 tỷ đồng.
Khi chứng kiến chuyện này, tôi tự hỏi rằng họ bỏ tiền, danh dự và cả niềm tin từ người hâm mộ là vì đồng bào đang chịu thiệt hại hay để “mua" sự khoái cảm yêu thích trên mạng xã hội?
Tôi tự hỏi chính những người “phú phép" đã mưu cầu gì từ sự bi hài này?
Họ có cảm thấy hổ thẹn khi chủ động “phù phép” dựa trên nỗi đau của những gia đình đã mất đi người thân? Họ có bao giờ xem thước phim khi cả một Làng Nủ 128 người mất mát sau một trận sạt lở, chứng kiến anh trưởng thôn 33 tuổi trong một buổi đêm phải đưa ra quyết định sinh tử cứu lấy 115 dân làng, đồng cảm được trước giọt nước mắt của người đàn ông sống sót duy nhất trong trận sạt lở núi, khóc cùng người vợ đứng trước dòng nước chảy dữ gọi chồng hay lời kêu cứu tuyệt vọng của những người còn sống tại sự vụ cầu Phong Châu?
Khi đồng bào gặp khó khăn, mỗi đóng góp, dù ít, dù nhiều, dù chỉ 1 ngàn đồng hay tiền tỷ đều có giá trị và đáng quý, đáng trân trọng. Có những em bé nhịn tiền mua quà, tiền ăn sáng để ủng hộ đồng bào bão lụt, số tiền tuy ít ỏi nhưng chúng ta luôn cảm thấy xúc động khi được nhìn thấy những phần đóng góp đó. Bởi hơn hết, nó thể hiện một điều, thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta, đang được giáo dục rất tốt.
Ngược lại, dù đóng góp tiền triệu, tiền tỷ, nhưng phải ồn ào, phải truyền thông, phải làm đủ mọi cách để tên tuổi mình nổi bật nhất… cũng gần như chẳng nhận được một đánh giá tích cực nào với những việc làm ấy. Người ta bảo, “của cho không bằng cách cho” là như vậy.
Cơn bão số 3 đi qua, để lại những hậu quả rất nặng nề cho nhiều địa phương, tỉnh thành… Những sự mất mát về vật chất rồi chúng ta, với sự chung tay của cộng đồng, và nỗ lực của Chính phủ sẽ vượt qua được. Nhưng sự mất mát về sinh mạng, của hàng trăm gia đình, thật không gì có thể bù đắp. Nỗi đau này, sẽ còn mãi…
Việc lấy từ thiện để câu view, sống ảo là làm xấu đi ý nghĩa cao cả của hai từ thiện nguyện. “Hành vi này cũng làm giảm đi sức mạnh đoàn kết, cùng hướng về đồng bào đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, địch họa. Và rồi, chính sự vô cảm từ lối sống ảo sẽ khiến những người tốt trong xã hội trở nên e dè, thận trọng trước hoạt động thiện nguyện. Đây mới chính là cốt lõi của vấn đề”. Chính vì thế, có lẽ khi quyết định làm một điều gì đó cho đồng bào, hãy bỏ qua những suy nghĩ ích kỷ, cá nhân, làm bằng chính cái tâm của mình, không cần bất kỳ một sự ghi nhận nào, ngoài sự thanh thản của bản thân. Khi ấy, những việc làm đó, mới có ý nghĩa…
Hà Trần