Nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả… đều đã tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.

Ảnh minh họa internet
Ảnh minh họa internet.

Mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức từ 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 02 năm vừa qua, các mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: Sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Một nhóm hàng do tác động của dịch Covid-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện. 

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết: EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó bị rơi vào thứ tư, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bởi xuất khẩu cá tra liên tục bị sụt giảm, mặt hàng tôm, hải sản khác cũng liên tục bị sụt giảm.

Tuy nhiên, năm 2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì nhóm thuỷ sản chủ lực như tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%... 

Ảnh minh họa báo Thanh niên
Ảnh minh họa báo Thanh niên.

Đến năm 2022, hết quý II, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chia sẻ, ở góc độ doanh nghiệp, Trung An đã thâm nhập được thị trường EU với các lô hàng gạo thơm với giá xuất khẩu trên 1.000 USD/tấn, nhưng ở quy mô ngành, xuất khẩu sang EU vẫn rất khiêm tốn bởi Việt Nam xuất khẩu trên 6,4 triệu tấn gạo/năm.

Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 02 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhìn nhận, EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Điều này cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng thị trường và mặt hàng tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn vào thị phần hiện nay vẫn còn thấp, rau quả chưa đến 4%, thủy sản 8%, xuất khẩu gạo vào EU vẫn rất thấp...

Về Hiệp định EVFTA, bà Lê Hằng mong có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như áp dụng tốt quy tắc xuất xứ nhằm giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)