Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì không phải doanh nghiệp hay kể cả cơ quan quản lý đã quan tâm, tìm hiểu Chương riêng về hợp tác nâng cao năng lực của Hiệp định EVFTA.
Theo ông Dương: "Trong EVFTA có một điểm tương đối đặc biệt là có một Chương riêng về hợp tác và nâng cao năng lực. Đấy là một Chương trình hầu hết các bộ, ngành và các doanh nghiệp của Việt Nam rất ít quan tâm.
Chúng ta chỉ quan tâm là làm thế nào để đáp ứng được các ưu đãi thuế quan và cũng như đáp ứng các cam kết trong EVFTA thôi… Còn trong Chương hợp tác về nâng cao năng lực - đấy là Chương đem lại quyền lợi cho chúng ta. Chúng ta được quyền đòi hỏi EU có thể hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong những lĩnh vực mà chúng ta muốn, thế nhưng chúng ta lại chưa thể hiện được là chúng ta muốn gì, thì EU cũng không có nghĩa vụ phải hỗ trợ cho Việt Nam.
"Và đây cũng là điều mà tôi nghĩ là bản thân cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành cũng cần chung tiếng nói với cộng đồng doanh nghiệp để có những kiến nghị phù hợp, để EU hỗ trợ trong 1 số lĩnh vực ví dụ như: Sản phẩm nông sản, thủy sản, rồi những vấn đề được lồng ghép như là tăng quyền cho nữ giới trong hoạt động sản xuất thương mại chẳng hạn, hay là vấn đề về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đó là cách mà mình có thể lồng ghép vào các vấn đề liên quan đến xuất - nhập khẩu mà thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp với sự hỗ trợ của EU…", ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các cơ chế liên quan đến xuất xứ từ những thị trường cùng tham gia các hiệp định để tận dụng các ưu đãi thuế quan.
"Việc tận dụng ưu đãi của thị trường, bên cạnh các vấn đề về thuế suất thì việc đáp ứng được các hàm lượng về xuất xứ là yếu tố rất quan trọng. Để đáp ứng điều này thì một mặt các doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu về các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ trong các hiệp định, một mặt thì chúng ta cũng phải cơ cấu nguồn nguyên liệu, giá trị đầu vào để làm sao nâng cao giá trị của sản phẩm Việt Nam, hoặc là sử dụng hợp lý những các yếu tố đầu vào từ các nước cùng tham gia một hiệp định thương mại tự do thì như vậy chúng ta mới có thể đạt được các điều kiện về thuế suất ưu đãi…", ông Hải cho biết.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhận định, EU là thị trường khó tính với các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, nhưng điều này hoàn toàn không phải là rào cản.
"Thời gian qua nhiều doanh nghiệp chúng ta đang nghĩ rằng, vào thị trường EU có quá nhiều rào cản. Tôi không nghĩ, đó là rào cản. Tôi nghĩ, đó chính là những tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp phải nâng cấp lên để vào được thị trường EU một cách bền vững. Và thực tế đã chứng minh là có nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU thì họ vào thị trường EU rất tốt và họ đã có mối quan hệ trao đổi thương mại phát triển bền vững, thì tôi nghĩ đấy là điểm khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua…", ông Khanh thông tin.
Doanh nghiệp Việt Nam cần thoát khỏi tâm lý an toàn, vượt qua “vùng an toàn” để đến với những thị trường tiềm năng của Liên minh Châu Âu - đó là khuyến nghị quan trọng được các chuyên gia nhấn mạnh. Liên minh Châu Âu bao gồm 27 quốc gia, nền kinh tế thành viên, nhưng hiện nay đa số doanh nghiệp xuất khẩu của ta vẫn tập trung vào những thị trường quen thuộc mà gần như còn đang bỏ ngỏ thị trường khu vực Bắc Âu.
EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam - là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký với Liên minh Châu Âu. Cùng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về một thị trường rộng lớn hơn, với các tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn.
C.H (t/h)