Tính đến ngày 16/5/2020, đã có hơn 2,3 triệu khách hàng được hỗ trợ miễn, giảm tiền điện với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng.

Với các mức hỗ trợ miễn, giảm từ 10% đến 100% cho các nhóm khách hàng khác nhau, chính sách miễn giảm tiền điện đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của người dân... đặc biệt là nâng cao hiệu quả phòng chống dịch tại các bệnh viện tuyến đầu.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Tại Hà Nội, bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 Đông Anh là bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận và chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, theo chính sách miễn giảm tiền điện thì bệnh viện này sẽ được miễn giảm 100% tiền điện trong 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020). Với số tiền điện trung bình mỗi tháng trên 550 triệu đồng thì tổng số tiền điện bệnh viện này được miễn giảm trong 3 tháng sẽ tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng.

Đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, sản lượng điện khách hàng sử dụng có chu kỳ bắt đầu trong các tháng 4,5,6/2020 (xác định theo kỳ ghi chỉ số hàng tháng của các đơn vị điện lực) sẽ được giảm giá tương ứng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5,6,7/2020. Vì thế mà có nhiều hộ dân tại Hà Nội ghi nhận, dù tháng 4 gia đình dùng nhiều điện hơn nhưng tiền điện phải trả lại ít hơn các tháng trước. Ví dụ, một gia đình có kỳ hoá đơn tháng 3 (từ 8/2/2020 – 7/3/2020), dùng hết 259kWh, số tiền điện phải thanh toán là 573.786 đồng. Nhưng tại kỳ hoá đơn tháng 5 (từ ngày 8/4/2020 – 7/5/2020) gia đình đó dùng hết 281kWh (nhiều hơn tháng 3 là 22 kWh), thì số tiền phải trả chỉ 571.661 đồng. Nhờ có chính sách giảm 10% tiền điện (áp dụng từ bậc 1 đến bậc 4), gia đình đó đã được giảm 63.496 đồng.

Hà Trần