Sáng 30/3/2023, tại Sơn La, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa doanh nghiệp EVNNPC giai đoạn 2016-2022 và triển khai Hành trình văn hóa EVNNPC giai đoạn 2023-2025.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC cho biết: Đi cùng với niềm tự hào lớn lao về văn hóa của mình, trong mỗi giai đoạn phát triển dù gặp hoàn cảnh khó khăn, thách thức và dù quy mô phát triển ra sao thì tập thể CBCNV EVNNPC ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa của Tổng công ty và Tập đoàn, từ đó không ngừng nâng cao trách nhiệm của mình trong việc kế thừa, chăm lo, củng cố và phát triển các giá trị văn hóa đó trong suốt các chặng Hành trình văn hóa EVNNPC.

Bước vào giai đoạn mới, một giai đoạn đặc biệt có ý nghĩa hết sức quan trọng của EVN nói chung và EVNNPC nói riêng, trong đó sứ mệnh phát triển đặt ra những trách nhiệm nặng nề, những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, Tổng công ty tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành doanh nghiệp số có văn hóa mạnh và mục tiêu đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng một nền văn hóa gắn kết CBCNV thành một đội ngũ đoàn kết vững mạnh, chung một ý chí, một tầm nhìn trong một hành trình phát triển bền vững mang đậm bản sắc EVN.

Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu khai mạc Hội nghị
Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu khai mạc Hội nghị.

EVNNPC - Điểm sáng về đổi mới sáng tạo và văn hóa doanh nghiệp

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022 là giai đoạn được xem có sự thay đổi mạnh mẽ về công tác Văn hoá doanh nghiệp (VHDN) của Tổng công ty từ phương thức thực thi theo phong trào chuyển sang có tính quản trị ngày càng chuyên nghiệp và đổi mới.

Xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của VHDN là nền tảng cho sự phát triển bền vững, Tổng công ty đã đưa VHDN trở thành nền tảng gắn chặt với mô hình đổi mới dựa trên 03 trụ cột là “Con người - Quy trình - Công nghệ” tạo ra những tác động mạnh hơn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) và đổi mới quản trị, làm rõ nét hơn các bản sắc văn hóa EVNNPC của chính mình.

Với những thay đổi đó, công tác VHDN được EVN ghi nhận và đánh giá cao như một điểm sáng về đổi mới trong Tập đoàn. Về mặt cơ cấu tổ chức bộ máy, năm 2019 có điểm thay đổi đột phá về mô hình tổ chức: Lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty chuyển từ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc thành Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc. Theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Điện lực miền Bắc ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-EVN ngày 15/07/2019 của EVN, cơ cấu tổ chức và điều hành của EVNNPC bao gồm: Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc; Các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Ban Kiểm soát và Kiểm soát viên; Bộ máy giúp việc cho Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc. Sự thay đổi này diễn ra rất nhẹ nhàng với sự đồng thuận, đoàn kết nhất trí cao, tạo luồng gió mới, phát huy tối đa sức mạnh tập thể.

Trong giai đoạn 2019-2022, Tổng công ty liên tục thay đổi các cán bộ quản lý cấp cao (Tổng giám đốc, Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc…) nhưng thế hệ tiếp theo luôn kế thừa và phát huy văn hoá truyền thống của Tổng công ty, hướng mục tiêu xây dựng Tổng công ty phát triển bền vững.

Bằng việc tích cực đầu tư cho đổi mới doanh nghiệp trong đó có sự quan tâm cho xây dựng VHDN trong giai đoạn vừa qua, EVNNPC đã tạo nên những thay đổi lớn có tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và các mặt hoạt động: Phong cách lề lối làm việc của doanh nghiệp ngày càng văn minh, hiện đại và từng bước chuyên nghiệp; Sự thể hiện của đổi mới phản ánh rõ nét qua hoạt động hằng ngày và đặc biệt là các hoạt động hội nghị, hoạt động tập thể tổ chức trong toàn Tổng công ty đã thực sự hoàn toàn đổi mới theo số hóa với chiều sâu chất lượng và hiệu quả; Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng có sự nâng tầm với sự đổi mới nhận thức và tư duy từ gốc rễ là văn hóa kinh doanh; Trong công tác quản trị, việc hội họp, hệ thống báo cáo công việc, việc quản trị đánh giá công việc và con người đã thay đổi hoàn toàn, từng bước số hóa và đã tạo nên diện mạo, phong cách làm việc hết sức mới mẻ; Công tác quản trị, đào tạo phát triển con người đã đổi mới; Công tác khoa học kỹ thuật đã đạt nhiều đột phá về ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong SXKD; Hình ảnh, nhận diện thương hiệu của EVN đã được EVNNPC thực thi và tạo được ấn tượng mạnh trong lòng khách hàng, nâng cao uy tín và sự đồng thuận của cộng đồng xã hội.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của ngành Điện, để hiện thực hóa các tầm nhìn, chiến lược của mình, Tổng công ty đã từng bước chuyển đổi công tác VHDN từ cách làm truyền thống mang nặng tính phong trào, tính quần chúng sang mô hình có sự lãnh đạo và quản trị mới với các chức năng đó là Lãnh đạo Văn hóa, Quản lý và thực thi VHDN. Có thể nói, vị trí và vai trò của công tác văn hóa được nâng cao trong đó phát huy được tính bao trùm và dẫn dắt tư tưởng đến hành động của VHDN tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, tư duy mới trong công tác Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng (KD&DVKH), công tác quản trị vận hành, công tác quản trị nội bộ và các lĩnh vực khác. Tiêu biểu cho sự chuyển đổi đó là các sáng kiến mang tinh thần xây dựng văn hóa mới như: Chương trình khách hàng là trung tâm; Chương trình đưa 5S ra lưới điện; Chương trình đổi mới toàn diện công tác quản trị doanh nghiệp bằng BSC/KPI; Chương trình Lãnh đạo trong hành trình văn hóa EVNNPC; Chương trình phát động văn hóa học tập không ngừng và triển khai hệ thống E-learning…

Chia sẻ những kinh nghiệm thành công

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tĩnh - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc quan tâm phát triển năng lực, văn hoá học tập không ngừng và tạo động lực cho người lao động để nâng cao sự hài lòng và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Đồng thời khẳng định, nguồn vốn nhân lực và văn hóa đã được khẳng định là yếu tố quyết định thành công và là nền tảng cho sự phát triển bền vững, nguồn nhân lực là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quyết định hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó công tác phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu then chốt, tác động và quyết định rất nhiều đến kết quả hoạt động SXKD của doanh nghiệp.

Với tham luận: Nhận diện những thái độ, hành vi và ý thức thiếu tích cực trong văn hóa làm việc và ứng xử ở Công ty Điện lực và các biện pháp thiết thực để củng cố chất lượng văn hóa với sự làm gương của lãnh đạo, cán bộ quản lý, ông Hà Huy Tâm - Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang (PC Tuyên Quang) khẳng định: Để một doanh nghiệp thực sự mạnh, phát triển bền vững và có được hình ảnh đẹp trong xã hội thì không thể do một hoặc một vài cá nhân làm lên mà phải là cả một khối đoàn kết, thống nhất, cùng nhìn về một hướng và cùng một mục tiêu, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc từ người lãnh đạo cao nhất đến người công nhân. Điều này sẽ xác lập cho doanh nghiệp một giá trị cốt lõi là văn hóa doanh nghiệp.

Tham luận với Chủ đề: “Xây dựng văn hóa lãnh đạo ở đơn vị cấp III và cấp IV để tạo đột phá về VHDN trong EVNNPC”, ông Lương Minh Thanh - Giám đốc Công ty Điện lực Hưng Yên (PC Hưng Yên) khẳng định văn hóa lãnh đạo là một bộ phận quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa lãnh đạo là hệ thống những giá trị, chuẩn mực tạo nên phong cách lãnh đạo của người cán bộ, có tầm ảnh hưởng lớn đến nhận thức và hành động của doanh nghiệp, tập thể người lao động. Để tạo đột phá về VHDN cần phải xây dựng Văn hóa lãnh đạo mạnh.

Quan tâm xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý chính là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đạo đức, năng lực, phong cách lãnh đạo, cách ứng xử… Làm tốt văn hóa lãnh đạo, quản lý sẽ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong doanh nghiệp.

Tham luận tại Hội nghị, ông Trần Hồ Nam - Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên (PC Thái Nguyên) cho biết: Nhằm đưa công tác an toàn lao động trở thành trách nhiệm và ý thức tự giác, đi sâu vào tiềm thức và hình thành văn hoá ứng xử của người lao động, Công ty hướng đến xây dựng một nền văn hóa Tin cậy - Trách nhiệm, Tiên phong - Sáng tạo, với các giá trị chuẩn mực đạo đức “An toàn - Đoàn kết - Nhân văn - Trung thực - Minh bạch”. Quyết tâm xây dựng văn hóa an toàn với mục tiêu xây dựng VHDN phát triển hiệu quả - bền vững để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình, cho tổ chức và cho toàn xã hội.

Bằng tham luận với chủ đề: “Tổ chức triển khai đào tạo thực thi hiệu quả các nội dung văn hoá mới của EVN và văn hoá EVNNPC nhằm đưa văn hoá đi sâu vào SXKD”, ông Trần Duy Trinh - Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La (PC Sơn La) khẳng định: Thực tế cho thấy, công tác đào tạo thực thi các nội dung văn hóa mới của EVN có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty Điện lực Sơn La và các đơn vị trong Tổng công ty nói chung, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Quá trình đào tạo sẽ đạt hiệu quả cao khi có giải pháp đồng bộ và duy trì triển khai hàng năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo, sự nhất quán trong nhận thức và hành động của CBCNV. Từ đó Công ty đề xuất các vấn đề đơn vị cấp 3 cần quan tâm để thực thi các giá trị văn hóa EVN trong làm việc và ứng xử, chăm sóc phục vụ khách hàng như sau: Vấn đề 01: Thay đổi nhận thức của CBCNV về các giá trị văn hóa EVN gắn với giai đoạn chuyển đổi số, văn hóa số bằng các hoạt động. Vấn đề 02: Xây dựng văn hóa lãnh đạo là đội ngũ đi đầu, dám thay đổi và thích nghi với sự thay đổi chung của từng giai đoạn. Vấn đề 03: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.

Tham luận với chủ đề: Kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của Tổng công ty, tuổi trẻ EVNNPC chủ động học tập, đổi mới sáng tạo nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành quả CMCN lần thứ 4, bà Trịnh Thị Kim Ngân - Bí thư Đoàn Thanh niên EVNNPC khẳng định: Tuổi trẻ EVNNPC luôn có nhận thức và tư tưởng chính trị tích cực, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý chí vươn lên hoàn thiện bản thân, nêu cao tinh thần tình nguyện, xung kích cống hiến vì lợi ích của Tổng công ty và xã hội; tham gia tích cực, kỷ luật và đặc biệt là luôn kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của Tổng công ty trong suốt gần 55 năm hình thành và phát triển, chủ động học tập, đổi mới sáng tạo nâng cao hiệu quả ứng dụng các thành quả Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tham luận với nội dung: “Các giải pháp và việc làm cụ thể để đổi mới hoạt động và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, hướng đến bản sắc văn hoá Một EVNNPC đoàn kết và nghĩa tình” của Công đoàn EVNNPC cho biết: Trong những năm vừa qua, với nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, xây dựng môi trường văn hóa, hình ảnh, niềm tin, niềm tự hào, đời sống tinh thần phong phú, vui tươi, lành mạnh, tạo mối quan hệ thân thiết, tương thân tương ái, chia sẻ, học tập lẫn nhau giữa người lao động và giữa các đơn vị. Từ đó góp phần xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp, tạo sự đoàn kết, gắn bó cho người lao động trong Tổng công ty.

Năm 2023 và những năm tiếp theo, Công đoàn Tổng công ty xác định tiếp tục đồng hành cùng chuyên môn các cấp, phát động các phong trào thi đua, phong trào công nhân viên chức lao động sôi nổi, thiết thực, hiệu quả, chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, xây dựng thành công VHDN tiên tiến, tiêu biểu, nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chỉ tiêu, kế hoạch được giao, góp phần xây dựng Tổng công ty ngày càng lớn mạnh. 

Đưa EVNNPC trở thành doanh nghiệp số có văn hoá tiêu biểu của EVN

Giai đoạn 2023-2025 có tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến lược phát triển của EVNNPC đến 2030 tầm nhìn 2045, Tổng công ty ưu tiên định hướng phát triển VHDN dựa trên việc bám sát mục tiêu chung của EVN về xây dựng một nền văn hoá mạnh, có bản sắc tiêu biểu và các quan điểm của lãnh đạo Tổng công ty để từ đó xây dựng kế hoạch triển khai VHDN giai đoạn 2023-2025 nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp hiện đại văn hóa EVNNPC, không ngừng kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống và tích cực chăm lo gìn giữ bản sắc văn hoá EVNNPC, văn hoá EVN và văn hoá Việt Nam. Triển khai thành công kế hoạch tổng thể về thực thi VHDN đến năm 2025 trong đó tăng cường đầu tư cho đào tạo, truyền thông và xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa kinh doanh, văn hóa đổi mới sáng tạo và văn hóa số trở thành nguồn lực và động lực cho sự phát triển toàn diện đối với Tổng công ty.

Với tinh thần đổi mới toàn diện về công tác lãnh đạo văn hoá, quản trị thực thi công tác VHDN và thực thi văn hoá để phấn đấu đưa EVNNPC trở thành một doanh nghiệp số có văn hoá tiêu biểu của EVN vào năm 2025, công tác VHDN của EVNNPC cần đạt được các mục tiêu chính sau: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi VHDN trong từng lĩnh vực, từng đơn vị và từng người lao động; Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thúc đẩy động lực làm việc; Không ngừng quan tâm chăm lo xây dựng ngôi nhà chung EVNNPC đoàn kết và nghĩa tình, phát huy sức mạnh trí tuệ và sự đồng thuận tập thể của EVNNPC; Nâng cao hơn nữa hình ảnh và uy tín thương hiệu EVN và EVNNPC trong mắt khách hàng, cộng đồng xã hội; Đổi mới nội dung và phương thức quản trị VHDN đưa văn hóa EVN và EVNNPC đi sâu vào các hoạt động SXKD, lan toả mạnh mẽ văn hóa EVN đến khách hàng và cộng đồng xã hội.

Theo đó, nhiều giải pháp được đưa ra như: Phát huy và củng cố các giá trị văn hoá truyền thống quý báu của EVN, EVNNPC làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững; Phát triển mạnh mẽ văn hoá học tập, văn hoá số, thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo; Chủ động tích cực tham gia thúc đẩy chuyển đổi và chuyển dịch năng lượng góp phần cho sự phát triển bền vững; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở và thân thiện; Nâng tầm văn hóa kinh doanh và thương hiệu dịch vụ khách hàng với triết lý khách hàng là trung tâm; Chuyên nghiệp hoá và số hoá công tác quản trị và thực thi VHDN; Đổi mới công tác đào tạo về VHDN; Tăng cường chất lượng và hiệu quả truyền thông về văn hoá EVN.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN đánh giá: EVNNPC là tổng công ty lớn nhất trong khối phân phối và kinh doanh điện của EVN. Trong những năm qua, EVNNPC được xem là điểm sáng về triển khai VHDN trong EVN với sự quan tâm đầu tư toàn diện, bài bản, liên tục và có tính đổi mới, năng động, sáng tạo, mang lại những chuyển biến rõ rệt về SXKD, về tổ chức và con người; trong đó Tổng công ty đã tiên phong đi đầu trong các chương trình đổi mới nhận thức, thái độ, kỹ năng ứng xử và phục vụ khách hàng của CBCNV thông qua chương trình khách hàng là trung tâm, chương trình dịch vụ xuất sắc, tạo được dấu ấn rõ nét.

Để thực hiện thành công hành trình văn hóa của EVNNPC giai đoạn tới, trước tiên và trên hết EVNNPC phải khơi dậy niềm tự hào của toàn thể hơn 26 nghìn CBCNV về các giá trị truyền thống của Tổng công ty, của EVN, và tự hào về bản sắc của văn hóa EVN chúng ta đó là: (i) Một EVN chuyên nghiệp và đáng tin cậy; (ii) Một EVN tiên phong và sáng tạo; (iii) Một ngôi nhà chung EVN đoàn kết và nghĩa tình; (iv) EVN, tổ chức có trách nhiệm xã hội cao.

Trên tinh thần đó, ông Võ Quang Lâm đề nghị EVNNPC thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch tổng thể VHDN 2022-2025 và nhiệm vụ thực thi VHDN năm 2023 của EVN, trong đó cần ưu tiên, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ ngay trong năm 2023 như sau:

Thứ nhất, đề nghị EVNNPC cần sớm hoàn thành kế hoạch đào tạo, phổ biến các nội dung văn hóa EVN mới ban hành đến từng CBCNV, đưa nội dung văn hóa EVN đi vào mọi mặt hoạt động của SXKD của Tổng công ty; trong đó quan tâm đào tạo cán bộ quản lý các cấp để làm gương cho người lao động, thực thi các nội dung văn hóa của EVN một cách liên tục, nề nếp và nhất quán cao.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông về VHDN, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ truyền thông theo hướng dẫn của EVN tại Công văn số 5696/EVN-TT ngày 07/10/2022; trong đó, tập trung tuyên truyền về Tài liệu Văn hoá EVN và Bộ Quy tắc ứng xử văn hoá EVN đến người lao động trong toàn Tổng công ty thông qua các kênh truyền thông nội bộ và các trang mạng xã hội của EVNNPC; ngoài ra, chú trọng công tác truyền thông ra bên ngoài về các hoạt động xây dựng, thực thi VHDN của EVNNPC.

Thứ ba, là Tổng công ty phân phối và kinh doanh điện với hơn 11 triệu khách hàng, quy mô lưới điện và địa bàn hoạt động rộng nhất trong Tập đoàn, đề nghị EVNNPC tiếp tục triển khai đưa các giá trị văn hóa đi sâu vào các dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tiếp tục hoàn thiện văn hóa kinh doanh, coi trọng văn hóa ứng xử và giao tiếp văn minh - chuyên nghiệp và tận tâm với khách hàng.

Thứ tư, triển khai chương trình xây dựng văn hóa lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết của Đảng ủy EVN về nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị trong công tác VHDN. Thời gian tới, EVN sẽ có hướng dẫn, trên cơ sở đó, EVNNPC tổ chức đào tạo, tập huấn triển khai chương trình Phong cách lãnh đạo EVN trong toàn Tổng công ty.

Thứ năm, EVNNPC cần tiếp tục tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực, coi trọng và đẩy mạnh triển khai văn hóa số, văn hoá đổi mới sáng tạo, theo đổi sự tiến bộ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm số, dịch vụ số và giải pháp số có giá trị, chất lượng cao cho khách hàng.

Thứ sáu, Tổng công ty cần tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng quản trị công tác VHDN ngày một chuyên nghiệp hơn, hướng mục tiêu quản trị doanh nghiệp bằng văn hóa doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, đồng thời khẳng định: Kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể ban lãnh đạo EVNNPC và toàn thể người lao động, việc triển khai Hành trình văn hoá EVNNPC giai đoạn 2023-2025 nhất định sẽ thành công, góp phần cùng toàn Tập đoàn xây dựng văn hóa EVN ngày càng vững mạnh.

Tại Hội nghị, EVNNPC đã vinh danh, khen thưởng các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt công tác VHDN giai đoạn 2016-2022.

Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN trao thưởng cho các tập thể có thành tích trong công tác VHDN giai đoạn 2016-2022
Ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc EVN trao thưởng cho các tập thể hoàn thành tốt công tác VHDN giai đoạn 2016-2022.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC trao thưởng cho các cá nhân có thành tích trong công tác VHDN giai đoạn 2016-2022
Ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng giám đốc EVNNPC trao thưởng cho các cá nhân hoàn thành tốt công tác VHDN giai đoạn 2016-2022.
Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC trao thưởng cho các cá nhân có thành tích trong công tác VHDN giai đoạn 2016-2022
Ông Lê Quang Thái, Phó Tổng giám đốc EVNNPC trao thưởng cho các cá nhân hoàn thành tốt công tác VHDN giai đoạn 2016-2022.

Minh Anh