Thời điểm này tại nhiều chợ truyền thống, các mặt hàng thực phẩm được điều chỉnh tăng giá hơn so với thời gian trước đó. Hiện, nhiều đơn vị bán lẻ đã lập mặt bằng giá mới nhiều mặt hàng.
Giá điện, xăng đồng loạt tăng kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng tăng. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, điện xăng tăng giá khiến các mặt hàng rau, thịt đều tăng. Thịt lợn nạc vai, thăn, sườn đều tăng thêm 20.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg. Cá quả trước đây chỉ 135.000 đồng/kg nhưng nay là 140.000/kg; cá chép tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg, cá lăng trước 85.000 đồng/kg nay tăng lên 88.000 đồng…
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá mà các dịch vụ vận tải cũng tăng giá theo, mức tăng dao động từ 15-30%.
Điện, xăng tăng giá cũng tác động rất lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, làm cho giá thành sản xuất tăng. Không những thế, khi chi phí vận tải tăng cũng kéo theo giá sản phẩm dịch vụ tăng theo, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng điều chỉnh giá
Hiện tại, giá các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng được điều chỉnh giá. Công ty Thép Pomina tăng giá bán thép thêm 200.000 đồng/tấn, đưa giá bán của sản phẩm này tại nhà máy lên từ 16,15 - 16,7 triệu đồng/tấn. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn. Từ đầu tháng 4, các DN sản xuất xi măng như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… đã có thông báo tăng giá bán xi măng ra thị trường với mức tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn.
Tăng giá 2 mặt hàng xăng và điện đang có tác động lan truyền đến tất cả các mặt hàng hóa khác. Bởi các hoạt động đều sử dụng trực tiếp và gián tiếp đến xăng dầu và điện. Do đó, khi giá đầu vào tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng theo và sẽ có tác động lan truyền không chỉ đối những người trực tiếp sử dụng điện, xăng mà đối với những doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào của quy trình sản xuất.
Các chuyên gia nhận định, tăng giá hai mặt hàng này sẽ có tác động lan tỏa từ 2 - 3 tháng tới và kéo theo cộng hưởng khiến giá hàng hóa "té nước theo mưa". Rõ ràng, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu này đã và đang có nhiều tác động đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao tinh thần tiết kiệm năng lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát dưới 4% trong năm nay.
Hằng Vương (t/h)