Tham dự có lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên và đại diện 17 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh cùng nhiều doanh nghiệp chuyên cung ứng các giải pháp phần mềm, thiết bị tin học kết nối thông minh theo giải pháp công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hùng (Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Gia Lai) cho biết: Xu hướng phát triển đô thị thông minh là nhiệm vụ được Nhà nước quan tâm, đến nay trên toàn quốc có 20 tỉnh, thành phố đang xây dựng đề án phát triển, có nơi đã phê duyệt tổng thể như Bình Dương, Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...
Tại Gia Lai, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai “Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh” từ năm 2018. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra cần có thêm nhiều đóng góp xây dựng, vận hành hoạt động của thành phố dựa trên nền tảng phát triển tổng thể công nghệ số, hệ thống bảo mật, viễn thông...
Tuy vậy, để có thêm nhiều giải pháp trong ứng dụng đô thị thông minh rất cần có thêm các đóng góp địa phương, doanh nghiệp chung tay đưa ra các định hướng, giải pháp thiết thực với địa phương của tỉnh.
Pleiku là đô thị trẻ, có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, phạm vi xây dựng đô thị ngày càng mở rộng, các khu dân cư mới được hình thành. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị luôn được chính quyền các cấp của thành phố theo dõi hướng việc xây dựng hình thành khu dân cư theo hướng phát triển, hiện đại.
Nhiều giải pháp, tiến bộ trong ứng dụng công nghệ số đã được giới thiệu tại hội thảo
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tâm (Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Pleiku) nhấn mạnh: Để TP.Pleiku sớm trở thành đô thị thông minh, UBND thành phố đã họp và có những giải pháp cốt lõi theo kịp tốc độ phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh triển khai chính quyền điện tử; đưa ra các giải pháp đồng bộ với cơ sở dữ liệu mở và chia sẻ tích hợp trên kiến trúc công nghệ thông tin của một thành phố thông minh.
Bên cạnh, việc xây dựng, phát triển gắn kết chặt chẽ với đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin... điều cốt lõi nhất vẫn là nguồn lực về kinh tế tài chính, nhân lực công nghệ thông tin sẽ được quan tâm trong thời gian đến.
Tại hội thảo, nhiều đề tài đã được lãnh đạo các tập đoàn viễn thông và những công ty công nghệ thông tin phân tích, đánh giá cho việc xây dựng Pleiku theo hướng đô thị thông minh như: Đề xuất hướng tiếp cận thành phố thông minh cho tỉnh Gia Lai của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Xây dựng TP. Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến 2030 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Giải pháp giao thông thông minh dùng camera của hãng HIK VISION và Công ty TNHH thương mại dịch vụ Truyền thông Mặt trời; Giải pháp nâng cấp chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai phục vụ xây dựng thành phố thông minh của Công ty cổ phần Công nghệ Tâm Hợp Nhất; Ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch Gia Lai của Công ty cổ phần SPR Việt Nam; Giải pháp an ninh thông tin ứng dụng trong lĩnh vực y tế và giáo dục của Công ty cổ phần thương mại quốc tế Phương Nam...
Mô hình và ứng dụng công nghệ số được nhiều người quan tâm
Với những phân tích, đánh giá của các chuyên gia, hội thảo hướng tới việc trao đổi về những mối quan tâm hàng đầu hiện nay trong việc xây dựng-triển khai mô hình đô thị thông minh và cùng tìm lời giải cho bài toán phát triển gắn với thực trạng của Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng.
Bên cạnh các giải pháp, các doanh nghiệp còn đưa ra một số ứng dụng công nghệ số từ những thiết bị khóa cảm ứng, hệ thống ghi hình kết nối đa phương tiện giúp giám sát mọi hoạt động trong gia đình, công ty... nhằm kịp thời đảm bảo an ninh, àn toàn cháy nổ.
Hội thảo cũng là dịp để các đại biểu có thêm những góc nhìn về đô thị thông minh, có thêm kinh nghiệm trong việc định hướng tham gia xây dựng đô thị thông minh ở đơn vị, địa phương mình.
Kim Yến