Hội thảo nhằm tạo một diễn đàn giúp các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp và giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước trao đổi và chia sẻ thông tin, công trình nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn về môi trường đầu tư và kinh doanh của Gia Lai vì mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh trong tiến trình theo đuổi mục tiêu chung của cả nước trong bối ảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Gia Lai: Xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư cần thu hút - Hình 1

Hội thảo đã xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư mục tiêu cần phải thu hút

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, học giả của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phân tích thực trạng chính phủ điện tử, công nghệ thông tin truyền thông, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI của Gia Lai. 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã quan tâm đến việc phát triển Chính phủ điện tử và Công nghệ thông tin truyền thông. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông (ICT Index) của tỉnh Gia Lai đã có nhiều tiến bộ, tăng từ hạng 52 (năm 2014) lên hạng 38 (năm 2016). 

Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của tỉnh Gia Lai có xu hướng tích cực trong giai đoạn 2006 - 2017. Cụ thể, năm 2017, tổng điểm PCI của Gia Lai là 60.91, tiến bộ rõ rệt so với 54.27 của năm 2006 và 57.42 của năm 2016.

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu cho rằng, tỉnh Gia Lai cần cải thiện các chỉ số PCI và PAPI, bằng cách thúc đẩy hơn nữa chương trình một cửa điện tử, xây dựng các ứng dụng trực tuyến; các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được xã hội hóa rộng rãi, khuyến khích mở dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, tỉnh Gia Lai có tiềm năng, thế mạnh về phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, hồ tiêu, cao su và nhiều loại cây loại cây trồng khác nên rất cần hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng các nhà máy chế biến.

Gia Lai: Xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư cần thu hút - Hình 2

 Ông Hồ Phước Thành - GĐ Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Gia Lai phát biểu tham luận tại Hội thảo

PGS. TS. Phạm Viết Hồng - Trường ĐH Sài Gòn nhìn nhận, qua tìm hiểu thực tế thì chúng tôi thấy rằng tiềm năng về phát triển cây công nghiệp tỉnh Gia Lai rất lớn nên tỉnh cần xây dựng các cơ sở chế biến công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để xây dựng được khu sản xuất, chế biến, theo PGS. TS. Phạm Viết Hồng thì tỉnh Gia Lai phải lập được đề án chi tiết cho việc hình thành; thứ hai cần phải thành lập một tổ nhóm thực hiện, tham mưu cho tỉnh đi tìm hiểu thực tế, đưa ra những kế hoạch chi tiết; tổng hợp để triển khai theo tình tự, nhằm thực hiện theo từng giai đoạn và đảm bảo chế biến đạt chất lượng….

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, năm 2017, tỉnh có trên 7.800 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến.

Tuy nhiên, TS. Phùng Minh Tuấn, Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, tỷ lệ chế biến các sản phẩm của một số cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su trên địa bàn tỉnh đạt khá thấp trong khi các loại cây này có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao khi thiết lập thành công chuỗi cung ứng và xây dựng thương hiệu xứng tầm khu vực và quốc tế. 

Gia Lai: Xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư cần thu hút - Hình 3

Tỉnh Gia Lai mong muốn sẽ tìm được các nhà đầu tư thực sự vào tỉnh, giúp tỉnh Gia Lai phát triển kinh tế ở các ngành mũi nhọn, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có

Bên cạnh đó, Gia Lai có quỹ đất lớn, có khả năng chuyển đổi linh hoạt, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, nguồn lực lao động lớn, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, các dự án du lịch của tỉnh Gia Lai vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của tỉnh, trong khi du lịch là ngành kinh tế có tính phát triển bền vững, mang lại hiệu suất kinh tế cao, thúc đẩy phát triển các ngành nghề liên quan như vận tải, thương mại và một số dịch vụ khác. 

Qua đánh giá, phân tích, các nhà nghiên cứu chọn ra 8 dự án trọng điểm thu hút đầu tư tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2020, gồm: Nhà máy chế biến dược liệu, nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột đối với ngành công nghiệp chế biến tinh và sâu, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với ngành nông nghiệp, tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư Đang Ya - Biển Hồ, tổ hợp khu Đăk Đoa, khu du lịch Kon Chư Răng, khu du lịch Kon Ka Kinh đối với ngành du lịch - sinh thái - nghỉ dưỡng. 

Qua đó, các nhà nghiên cứu đề xuất các nhà đầu tư có khả năng chủ động nguồn cung hoặc dự đoán nhanh chóng nhu cầu thị trường để triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, các nhà đầu tư cần thực hiện theo đánh giá tác động của các dự án, quan tâm đến môi trường và phát triển bền vững, phát triển ngành du lịch mũi nhọn của Gia Lai, tầm nhìn đến năm 2030. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết, tại Gia Lai, các nhà đầu tư tập trung vào hai lĩnh vực là nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng điện mặt trời. Hiện Gia Lai đã có 4 dự án năng lượng điện mặt trời, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai mong muốn sẽ tìm được các nhà đầu tư thực sự vào tỉnh, qua đó giúp tỉnh Gia Lai triển khai được các mô hình phát triển kinh tế ở các ngành mũi nhọn, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế vốn có. 

Kim Yến