Thuận lợi trong quản lý

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực DNNVV tạo ra tới 52% việc làm cho toàn xã hội. Khối này hiện đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ DNNVV tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số DN (chiếm 97 - 98%. Nhằm tiếp tục thúc đẩy DNNVV phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với nguyên tắc tại Luật Hỗ trợ DNNVV, phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước trong từng thời kỳ, việc nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN với DNNVV là cần thiết.

Giảm thuế thu nhập: Tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp - Hình 1

Giảm thuế thu nhập tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển/ (Ảnh minh họa)

Năm 2016, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó, đề xuất quy định DNNVV được giảm thuế suất phổ thông theo 2 phương án. Phương án 1 là DN nhỏ áp dụng thuế suất 17%; DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%. Phương án 2 là áp dụng một mức thuế suất 17% đối với DNNVV, trong đó xác định tiêu chí DNNVV như quy định tại Luật Thuế TNDN số 32/2013/QH13, nhưng nâng mức doanh thu làm căn cứ xác định DNNVV từ không quá 20 tỷ đồng/năm tại Luật số 32/2013/QH13 hiện hành, lên 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, theo Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14, để được áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế TNDN thì DN siêu nhỏ, DNNVV đều phải đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng một trong 2 tiêu chí nguồn vốn (không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng).

Việc sử dụng tiêu chí lao động, vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định DNNVV có bất cập khi đặt trong xu thế DN kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay. Mặt khác, về quản lý thuế, nếu lấy theo tiêu chí doanh thu thì cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế có sẵn (doanh thu thể hiện trên tờ khai thuế TNDN của DN) nên sẽ thuận lợi trong quản lý hơn khi lấy theo tiêu chí vốn.

Cơ hội tái đầu tư

Bộ Tài chính đề xuất: DN siêu nhỏ (có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định DN thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% tại khoản này là tổng doanh thu của DN trong năm.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính - sẽ tác động tích cực tới ý chí kinh doanh của DN. Cùng với đó, việc sửa luật lần này, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng sự trợ giúp về quy trình thủ tục để người dân thấy rõ, việc chuyển từ hộ kinh doanh lên DN sẽ có nhiều thuận tiện, lợi ích hơn.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Tô Hoài Nam cũng cho rằng, phương án giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính là tín hiệu rất tốt nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho DN. Chính sách này, rất quan trọng với sự phát triển của DN, trước mắt và lâu dài. Nhưng giảm cụ thể như thế nào, cần cân nhắc kỹ trên cơ sở phân tích chi phí của DN.

Đón nhận thông tin về đề xuất giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính, ông Lê Gia Đông, CEO - Công ty CP Công nghệ Smart Computer cho biết, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN, DN ông thuộc diện được hưởng thuế suất 17%, thay vì 20%, bởi công ty hiện có tổng doanh thu hàng năm từ 3 - 50 tỷ đồng. Việc được giảm thuế TNDN, đồng nghĩa lợi nhuận của DN sẽ tăng lên và có thêm lợi thế cạnh tranh.

Với chủ trương giảm thuế, DN sẽ để ra được một khoản không nhỏ tái đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tăng lợi nhuận và có thêm động lực để phấn đấu. Mức giảm thuế tuy không nhiều, song đã chia bớt phần nào gánh nặng cho DNNVV.

Quang Nam