THCL Tổng kết phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 49 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu có tranh luận lại. Qua đây cho thấy, giáo dục - đào tạo là vấn đề liên quan đến từng gia đình, từng người dân, là sự quan tâm của cả xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuy mới nhận nhiệm vụ, nhưng đã thể hiện nắm rõ tình hình, thực trạng ngành mình, những vấn đề  ngành mình quản lý. Bộ trưởng thẳng thắn trả lời, nhận trách nhiệm về ngành, về cá nhân Bộ trưởng, làm rõ được vấn đề đại biểu nêu. Tuy nhiên, nội dung một số vấn đề còn dài, chưa thỏa mãn... Tranh luận nhiều lần là việc bình thường, tranh luận để làm sao cho giáo duc - đào tạo tốt hơn là nhiệm vụ của chúng ta.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, có những chỉ đạo trong ngành, đồng thời tham mưu cho Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới thi cử nhưng có lộ trình; lắng nghe ý kiến người dân sớm hoàn thiện phương thức thi; đề ra lộ trình quy hoạch giáo dục - đào tạo, khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; nâng cao chất lượng dự báo việc làm; đánh giá toàn diện về Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; Đề án VNEN; khắc phục những tồn tại theo hướng tích cực, hiệu quả; có giải pháp khắc phục những tiêu cực trong dạy thêm - học thêm; rà soát chính sách đào tạo cử tuyển, có chính sách với đào tạo học sinh dân tộc thiểu số...

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục; đồng thời nhấn mạnh ngành cần thẳng thắn nhìn nhận học sinh còn học nặng nề so với các nước khác, nhưng tốt nghiệp ra trường khó tìm việc làm. Đây là thực trạng cần đánh giá nghiêm túc, khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo có giải pháp quyết liệt, hiệu quả và có báo cáo với Quốc hội vào các kỳ họp sau.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời cảm ơn và chúc mừng những điều tốt đẹp tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các thầy cô giáo, công chức, viên chức đang công tác trong ngành giáo dục.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội: Giáo dục được toàn dân quan tâm, những vấn đề đại biểu chất vấn cũng chung với vấn đề được nghe từ người dân qua nhiều kênh thông tin.

Theo Phó Thủ tướng, dù không có một báo cáo nào theo định tính chính xác, nhưng các tổ chức quốc tế có nhận xét và đa phần xếp giáo dục Việt Nam vào hạng từ 60 – 70, tức là so với trình độ kinh tế - xã hội chung, chúng ta hơn các nước có trình độ tương đương. Trong đó, giáo dục phổ thông xếp vào khoảng dưới 50, nhưng giáo dục đại học và cao đẳng thì kém hơn, ở vào khoảng thứ 70 – 75, cá biệt có chỉ tiêu 80. Có nghĩa, chúng ta có nhiều điều không hài lòng, nhưng cũng phải ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng cho biết: Trong những báo cáo của các tổ chức quốc tế, khuyến nghị Việt Nam 2 vấn đề: Giáo dục phổ thông cần đặc biệt lưu ý với giáo dục dân tộc thiểu số; chất lượng giáo dục đại học.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh về vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục; tự chủ đại học; đặc biệt đề cập đến vấn đề triết lý giáo dục của Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian nói về vấn đề thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng; trong đó có đề cập đến việc tổ chức thi trắc nghiệm. Theo đó, thi trắc nghiệm hay tự luận không có phương pháp nào là toàn diện, cơ bản là trình độ ra đề. Về tuyển sinh, theo Phó Thủ tướng, đầu vào chỉ là một phần, quan trọng là đổi mới giảng dạy và kiểm định chất lượng đại học.

Hoan Nguyễn