"Cát tặc" lộng hành...
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ thực hiện nhiều đợt tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông vẫn diễn ra ngang nhiên và các đối tượng khai thác cát trái phép có thủ đoạn tinh vi hơn. Để lấy cát, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật; lợi dụng địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh để khai thác cát trái phép.
Hiện nay, lợi dụng mập mờ chỉ giới lòng sông Lô, đoạn chảy qua xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và xã Sông Lô (TP. Việt Trì, Phú Thọ), tình trạng “cát tặc” hoành hành công khai khiến người dân bức xúc; bờ, vở sông sạt lở; tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”; nhà nước thất thoát nguồn thu…
Ghi nhận của PV trong nhiều ngày qua, các phương tiện khai thác cát (tàu hút, tàu cuốc, cẩu quăng) thi nhau “đục khoét” lòng sông, những tàu chở khối lượng lớn từ 300-500 khối nườm nượp ra vào “ăn” cát.
Phản ánh của người dân ven sông Lô đoạn chảy qua xã Sơn Đông và Sông Lô, tình trạng khai thác cát trái phép, khiến cuộc sống, sản xuất của người dân bị đảo lộn, an ninh trật tự phức tạp; gây ra hệ lụy về biến đổi dòng chảy, sạt lở bờ, vở, đất ven sông. Ngoài ra, các phương tiện khai thác cát đỗ, đậu lộn xộn, lấn luồng gây cản trở và mất an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông trên tuyến. Đáng bàn, cát tặc diễn ra ngang nhiên, trong thời gian dài nhưng không thấy động thái xử lý từ phía cơ quan chức năng?
Ông Nguyễn Cao Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Lô khẳng định, trên địa bàn có Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi. Tuy nhiên, hiện nay, công ty Tự Lập chưa thực hiện khai thác cát trên lòng sông. Hoạt động khai thác cát đang diễn ra là khai thác trái phép, các đối tượng đưa phương tiện ra giữa dòng sông, lợi dụng vị trí giáp ranh với xã Sơn Đông (Vĩnh Phúc) để ngang nhiên khai thác.
Khi tiếp nhận phản ánh về việc khai thác này, chính quyền xã đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc xác minh cụ thể. Để công tác quản lý khai thác cát sỏi hiệu quả, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, cần các các lực lượng chức năng liên quan: công an, cảnh sát giao thông đường thủy, tài nguyên môi trường… vào cuộc quyết liệt.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trần Minh Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông khẳng định, trên địa bàn xã không có đơn vị nào được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép khai thác cát sỏi. Từ trước Tết nguyên đán đến hiện nay, trên dòng sông thuộc địa phận xã và giáp ranh với xã Sông Lô có tình trạng khai thác cát trái phép nhưng cụ thể của đối tượng nào chưa xác định được.
Lợi dụng địa bàn giáp ranh, mập mờ chỉ giới, những đối tượng khai thác cát trái phép có hình thức rất tinh vi, dùng tàu hút công suất lớn, đặt giữa lòng sông, chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã hút được một tàu cát lớn. Với chiêu thức này, khi đối tượng khai thác phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra, toàn bộ phương tiện đang “ăn” cát sẽ di chuyển sang địa phận sông Phú Thọ, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của chính quyền xã Sơn Đông đối với hoạt động khai thác cát trái phép này.
“Chính quyền xã Sơn Đông đã báo cáo trực tiếp lên UBND huyện nhằm tăng cường lực lượng phối hợp chính quyền địa phương để có phương án kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Tôi được biết, UBND huyện đã báo cáo lên tỉnh và xây dựng phương án phối hợp với tỉnh Phú Thọ để quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép”, ông Đông nói.
Quy chế phối hợp thực hiện "trên giấy"
Tìm hiểu của PV, từ năm 2018, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi nhằm ngăn chặn, triệt phá tình trạng khai thác cát trái phép ở vùng giáp ranh hai tỉnh. Để giám sát chặt chẽ, hai bên cũng trao đổi thông tin về tiềm năng cát, sỏi lòng sông; tình hình quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông và hoạt động cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh, đặc biệt là thông tin liên quan đến phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.
Bên cạnh đó, lực lượng công an địa phương thường xuyên tuần tra kiểm soát nắm tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin về các đối tượng có biểu hiện vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, mua bán cát, sỏi lòng sông. Các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Phù Ninh, TP. Việt Trì của tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm triển khai quy chế và báo cáo kết quả đạt được trước ngày 31/12 hằng năm về các UBND mỗi tỉnh.
Quy chế, phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi nhằm ngăn chặn, triệt phá tình trạng khai thác cát trái phép ở vùng giáp ranh hai tỉnh đã rõ ràng. Nhưng, hiện nay, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn giáp ranh hai xã Sơn Đông và Sông Lô cho thấy sự phối hợp này mới được thực hiện “trên giấy”. Thực tế, hàng ngày, nhiều phương tiện khai thác cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất nhưng chính quyền địa phương hai bên chỉ dừng lại ở việc: “Đã báo cáo lên cấp thẩm quyền cao hơn, chưa xác định đối tượng khai thác trái phép”.
Với giá cát bán trên sông Lô hiện nay khoảng 220.000đ/m3, mỗi ngày một tàu hút, tàu cuốc, cẩu quăng thu về hàng tỷ đồng. Lúc cao điểm, địa bàn sông Lô giáp ranh hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ có 5-7 phương tiện hoạt động, các đối tượng khai thác cát trái phép đã thu lợi nhuận với số tiền “cực khủng”, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm trong hoạt động khai thác cát sỏi là công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa phối hợp chặt chẽ, một số nơi buông lỏng quản lý. Dư luận cho rằng có biểu hiện lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép…
Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi và kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy khai thác cát, sỏi trái phép.
Trước thực trạng cát tặc hoạt động rầm rộ trên sông Hồng địa phận Phú Thọ và Vĩnh Phúc như hiện nay, cần làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương? Có hay không việc làm ngơ, bảo kê cho hoạt động khai thác cát trái phép ngang nhiên hoành hành…?
Đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng quản lý để cát tặc hoành hành, tài nguyên quốc gia ngang nhiên bị chảy máu, ngân sách nhà nước bị thất thu.
Hoan Nguyễn