Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Chiều 1/7, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã thông tin về Nghị quyết 68, Nghị quyết mới nhất của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Dung, mục tiêu của Nghị quyết 68 và các chính sách hỗ trợ tập trung chủ yếu hai đối tượng: người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch. Trong đó, tập trung chủ yếu vào đối tượng công nhân, người lao động trực tiếp.

Nghị quyết 68 đề ra nguyên tắc: Hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch; thiết kế đơn giản nhất, dễ nhất, giảm 2/3 thủ tục so với trước; đảm bảo tính khả thi. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra 12 nhóm chính sách cụ thể.

Trong đó, sẽ miễn, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian 12 tháng. Theo tính toán, khoảng 11 triệu người sẽ được hưởng, số tiền 3.800 tỷ đồng. Riêng lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương nhà nước không áp dụng chính sách này.

Đối tượng thứ hai, hỗ trợ việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí tử tuất. Qua đó, chỉ cần giảm doanh thu 15% đã được miễn, thời gian tối đa không quá 12 tháng. “Những cơ sở được miễn 6 tháng trước đây, nay vẫn tiếp tục được hưởng”, Bộ trưởng Dung cho hay.

Gói hỗ trợ thứ ba là đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động. Đây là lần đầu tiên sử dụng quỹ này, để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi, duy trì cho lao động. Qua đó sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng, thời gian không qua 6 tháng.

Cùng với đó, nhóm đối tượng phải cách ly y tế, trong vùng phong toả, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, được hỗ trợ 1 triệu đồng/lần; hỗ trợ tiền ăn 80 nghìn đồng/ngày với người đang cách ly, điều trị COVID-19, tổng số ngày hỗ trợ không quá 45 ngày.

Đối tượng là người làm nghệ thuật dừng hoạt động 15 ngày trở lên, có mức khởi điểm 1,6 cũng được xem xét hỗ trợ 3,7 triệu đồng mỗi người. 

Đối với hộ kinh doanh, dừng hoạt động 15 ngày trở lên được hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/hộ. 

Với đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương...

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thực tiễn vừa qua, khi triển khai gói hỗ trợ gặp rất nhiều khó khăn. "Có những bác tổ trưởng dân phố nói chúng tôi phải đi tới 8,9 lần, đến khảo sát, đánh giá rồi mới hỗ trợ được, vì lao động tự do di biến động thường xuyên, hôm nay ở đây mai ở chỗ khác; rồi phải lấy xác nhận giữa nơi ở với nơi cư trú", ông Dung cho hay. 

"Chúng tôi đã làm việc với TP. HCM, Hà Nội và một số đơn vị có đông lực lượng lao động tự do thì đều nhận được sự ủng hộ thống nhất. Và hôm nay, Chính phủ thống nhất có chủ trương hỗ trợ nhóm này, nhưng chủ trương này giao toàn quyền cho địa phương căn cứ vào điều kiện của mình, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền…

Chẳng hạn, trong gói 86 tỷ đồng của TP. HCM vừa thông qua xác định một số nhóm như xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo… Hà Nội cũng vậy. Đà Nẵng vừa qua cũng huy động được hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng… 

“Chúng tôi thấy cách xử lý như vậy sẽ hợp lý hơn. Nhưng Chính phủ đưa ra quy định mức sàn tối thiểu phải hỗ trợ là 1,5 triệu/tháng; tối thiểu không dưới 50 nghìn. Nếu địa phương hỗ trợ trên 50 nghìn thì càng hoan nghênh”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.

PT