H.Đại Lộc – Quảng Nam: Xã nông thôn mới … dân bức xúc vì thiếu nước sạch? - Hình 1

Trụ sở UBND xã Đại Minh, huyện Đại Lộc đã về đích NTM, dân vẫn “khát” nước sạch

“Về đích NTM chạy theo bệnh thành tích, chính quyền cứ mãi để người dân chúng tôi chịu khổ sở, vật vã với cảnh mua từng bình nước lọc về nấu ăn, sinh hoạt…nỗi khổ kêu trời chẳng thấu” –ông Nguyễn Thanh B, 63 tuổi thôn Phú Mỹ, xã Đại Minh bức xúc nói với PV TH&CL về tình trạng nước sinh hoạt ở đây.

Trước đó, báo TH&CL đã có bài: “Vì sao hàng ngàn hộ dân “khát” nước sạch?” phản ánh vấn đề nguồn nước bị nhiễm phèn quá nặng của người dân tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc. Người dân nơi đây bức xúc về tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm phèn rất nặng. Vấn đề ăn uống, sinh hoạt đều bị đảo lộn, nước nấu cơm và uống phải mua nước bình về dùng, nước từ các giếng khoan phải lóng, lọc, qua nhiều công đoạn mới sử dụng tắm rửa, giặt giũ được. Thậm chí nguồn nước này giặt còn làm quần áo đổi màu...

H.Đại Lộc – Quảng Nam: Xã nông thôn mới … dân bức xúc vì thiếu nước sạch? - Hình 2

Ông Võ Thanh Hiền – Trưởng thôn Phú Mỹ chỉ cho phóng viên về tình trạng nước nhiễm phèn nặng

Qua tìm hiểu của chúng tôi, Đại Minh là một trong những xã có rất nhiều đóng góp, cống hiến và hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhiều người công với cách mạng năm xưa vẫn đang sinh sống tại đây và cũng phải đối mặt với nỗi khổ sở thiếu nước sạch chung của người dân trong xã. Trao đổi với ông Trần Văn Lân – P. Trưởng phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Đại Lộc cho biết: “Toàn xã hiện có 151 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 04 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh hạng 1 có 4 người, 470 liệt sỹ, thương binh từ 21% - 80% có 60 người và còn nhiều người thương bệnh binh, chất độc da cam… ”

Tiếp tục tìm gặp ông Võ Thanh Hiền – Trưởng thôn Phú Mỹ, ông Hiền cho biết: “Trong thôn hiện có khoảng 300 hộ dân với 1.200 nhân khẩu, nói về nguồn nước thì phần lớn bà con đều phải bỏ ra khoản tiền chi phí khá lớn để mua máy lọc nước đạt chuẩn về để lọc qua nước mà dùng, chứ nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn đỏ, phèn vôi ghê lắm. Giặt áo trắng thành áo vàng là chuyện bình thường, còn về vấn đề dùng nước nấu ăn thì chỉ có mua loại bình lớn về nấu cơm, nấu nước uống thôi. Tình trạng này diễn ra quá nhiều năm nay, người dân chịu khổ vì thiếu nước sạch để sinh hoạt mà không biết  làm sao ”.

H.Đại Lộc – Quảng Nam: Xã nông thôn mới … dân bức xúc vì thiếu nước sạch? - Hình 3

Hình ảnh nước bơm lên, phèn đất bẩn bám đầy ống dẫn nước

Về phía lãnh đạo chính quyền địa phương ông Phan Năm – Chủ tịch UBND xã Đại Minh chia sẻ: “Năm 2003, đã có đầu tư dự án nước sạch nhưng sau đó không dùng được và bỏ luôn tới bây giờ, xã cũng đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm như người dân phản ánh nhưng tới nay vẫn chưa thấy hướng khắc phục nào mới cả. Nói chung, nguồn nước bị nhiễm phèn trên địa bàn xã nằm trong 5 thôn gồm; Phú Mỹ, Phước Bình, Tây Gia, Đông Gia, Quảng Huệ, tầm khoảng 1.100 hộ dân. Chính quyền địa phương cũng mong muốn có dự án nước sạch giúp bà con trong xã có nguồn nước sinh hoạt an toàn, đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt nhưng hiện tại nguồn vốn đầu tư dự án không có nên cũng đành phải chấp nhận” .

Làm việc với phòng TNMT huyện Đại Lộc, khi PV đặt câu hỏi về vấn đề: Tại sao xã về đích NTM từ năm 2015 mà tới bây giờ người dân vẫn “kêu trời” vì không có nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày? Chúng tôi nhận được trả lời; “Về nước sạch xã Đại Minh: Theo quy định tại Quyết định số 2762/QĐ-UBND ngày 07/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định việc đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đối với xã Đại Minh để đạt chỉ tiêu về nước sạch khi tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85% trở lên tại thời điểm lập hồ sơ đạt chuẩn NTM năm 2015, xã Đại Minh xác định có 1.938 hộ/1.938 hộ trên địa bàn sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỉ lệ 100% và đã được đoàn thẩm định đạt tiêu chí NTM của tỉnh xác nhận, kết luận đạt chỉ tiêu về sử dụng nước hợp vệ sinh. Hiện nay, theo quy định tại Quyết định số 1682/QĐ-UBND ngày 15/05/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy định đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017 – 2020 thì đối với xã khu vực đồng bằng để đạt chỉ tiêu về nước sạch khi tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%, trong đó có trên 60% nước sạch”.

Thực tế viêc người dân “kêu trời” vì thiếu nước sạch và cho biết thêm tình trạng nhiễm phèn nặng tại xã Đại Minh đã xảy ra hàng chục năm nay, có nghĩa là trước khi đạt chuẩn NTM. Vậy mà, đoàn thẩm định đạt tiêu chí NTM của tỉnh vẫn xác nhận, kết luận đạt chỉ tiêu về sử dụng nước hợp vệ sinh, vấn đề này có gì bất cập hay không? xã Đại Minh về đích NTM vào năm 2015. Toàn xã có 8 thôn, với 2000 hộ và khoảng 9.000 nhân khẩu. Mà hiện tại có 5 thôn có nguồn nước bị nhiễm phèn, với hàng trăm hộ dân tại đây nằm trong cảnh “khát” nguồn nước sạch để sinh hoạt. Theo tiêu chí về môi trường để đạt chuẩn NTM thì tỉ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia phải đạt từ 70% trở lên. Thành tích xã đạt chuẩn NTM đã có quyết định cách đây 3 năm, ấy vậy mà tình trạng người dân “kêu trời” vì nguồn nước không đảm bảo về chất lượng, quy chuẩn. Hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn đang vận lộn với cảnh, thiếu nước mùa khô, nguồn nước ô nhiễm nặng, hàng tháng người dân lao động, làm nông lại phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ để mua nước bình để sinh hoạt. Cuộc sống vốn khó khăn còn cõng thêm khoản chi phí tiền nước ngoài sự  suy nghĩ của họ.

H.Đại Lộc – Quảng Nam: Xã nông thôn mới … dân bức xúc vì thiếu nước sạch? - Hình 4

Phòng NN &PTNT huyện Đại Lộc, cho rằng tại thời điểm 2015, đoàn thẩm định đạt tiêu chí NTM của tỉnh xác nhận, kết luận đạt chỉ tiêu về sử dụng nước hợp vệ sinh

Về xã Đại Minh hôm nay, tìm gặp người dân nào, nhà nào cũng tỏ ra bức xúc về vấn đề nguồn nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thẩm quyền huyện Đại Lộc, UBND tỉnh Quảng Nam cần có phương án, kế hoạch giúp người dân lao động nơi đây bớt gáng nặng về “khát” nguồn nước sạch sinh hoạt.

Hy vọng một ngày không xa người dân và mảnh đất anh hùng năm xưa ổn định cuộc sống về sự mong đợi nguồn nước sạch, vì họ đã cống hiến khá nhiều trong hai cuốc kháng chiến, dành lại thống nhất, độc lập ngày hôm nay.

Hữu Văn – Trọng Tâm