Kiểm tra hàng hóa vi phạm
Thủ đoạn tinh vi
Quý III/2017, tình hình buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, GLTM và hàng giả, hàng vi phạm ATTP trên địa bàn Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu thường thay đổi phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó, khiến công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.
Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín vẫn diễn ra trên địa bàn Hà Nội.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi của NTD…
Trước tình hình đó, BCĐ 389/Hà Nội và BCĐ 389 các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG, UBND Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm; sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; phòng, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng…
Kết quả, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 9.896 vụ, xử lý 7.295 vụ (tăng 1.216 vụ so cùng kỳ 2016); đã khởi tố hình sự 23 vụ đối với 32 đối tượng. Trong đó, hàng lậu: 706 vụ, hàng giả vi phạm SHTT: 376 vụ, gian lận thương mại (GLTM): 6.213 vụ; Tổng thu ngân sách 1.125,183 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính 293,780 tỷ đồng, phạt bổ sung 830,731 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 672 triệu đồng.
Chủ động đấu tranh
Theo đó, Công an Thành phố đã chỉ đạo công an các phòng thuộc công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng thuốc lá, thực phẩm, TPCN, dược phẩm... không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm ATTP.
Qua đó, kiểm tra 619 vụ, xử lý 544 vụ, phạt hành chính 14,982 tỷ đồng; truy thu thuế 107, 598 tỷ đồng.
Chi cục QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Ban hành và triển khai thực hiện các Kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về chất lượng, an toàn thực phẩm; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện; kiểm tra hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu và GLTM; hoạt động sản xuất, buôn bán vận chuyển, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn thành phố; kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm diệt muỗi, chống muỗi; kiểm tra ATTP dịp Tết Trung thu...
Kết quả, kiểm tra 1.926 vụ, xử lý 1.771 vụ. Phạt hành chính 12,684 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu và tiêu hủy 12,11 tỷ đồng. Trong đó, tiền bán hàng tịch thu 672 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán và tiêu hủy 11,339 tỷ đồng.
Cục Hải quan, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn; tăng cường công tác bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; tăng cường công tác chống buôn lậu đối với mặt hàng gỗ quý hiếm, mặt hàng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới, mặt hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất, các mặt hàng phân bón, xăng, dầu, chất dinh dưỡng Ensure, thịt trâu đông lạnh nhập khẩu, thuốc lá, xăng dầu, dược liệu…
Kết quả đã phát hiện, bắt giữ 194 vụ; xử lý 191 vụ, phạt hành chính 2,514 tỷ đồng.
Ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi Cục QLTT Hà Nội cho biết, quý III/2017, các đối tượng làm ăn phi pháp đã lợi dụng tình hình thị trường để đẩy mạnh hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả khiến thị trường diễn biến phức tạp.
Các đối tượng thường thay đổi phương thức, thủ đoạn để đối phó khiến công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín vẫn diễn ra trên địa bàn thành phố.
Sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Nguyễn Kiên