Phạm vi mở rộng gồm các tuyến phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.
Các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn sẽ được mở cửa để phục vụ khách tham quan trong thời gian tuyến phố đi bộ hoạt động. Khu vực Ô Quan Chưởng là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phục vụ du khách.
Để tổ chức thực hiện việc mở rộng phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức phương án đảm bảo an toàn giao thông hợp lý, đảm bảo thuận lợi cho người dân tham gia giao thông, không gây ùn tắc và xung đột giao thông trong những ngày không gian đi bộ hoạt động.
Tại các nút giao thông với khu vực tuyến phố đi bộ sẽ bố trí đặt barie, biển báo cấm đường, biển chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện và biển báo tuyến phố đi bộ. Đồng thời, tại các điểm chốt sẽ bố trí lực lượng trực đảm bảo an toàn giao thông, hướng dẫn phương tiện không đi vào không gian đi bộ.
Về phương án bố trí các điểm giao thông tĩnh, cùng với 121 điểm đang được duy trì, UBND quận Hoàn Kiếm và Sở Giao thông - Vận tải cấp phép bổ sung mới 35 điểm trông giữ xe trên các tuyến phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Tre, Trần Quang Khải, Hàng Chiếu, Cao Thắng, Thanh Hà và khu vực địa bàn phường Chương Dương, Phúc Tân..., với diện tích 34.550m2 để bảo đảm nơi gửi phương tiện của nhân dân và du khách. Người dân trong không gian đi bộ được gửi xe miễn phí tại khu vực gầm cầu Chương Dương hoặc được phép dắt xe vào và phải để trong nhà.
Thời gian hoạt động như tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội.
Cụ thể, hoạt động 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật). Mùa hè từ 19h - 24h. Mùa đông từ 18h - 24h. Những ngày đầu, khi người dân chưa quen, các lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, kiểm tra, những ai sống trong các phố đi bộ phải có Căn cước công dân hoặc giấy xác nhận của phường… mới được đi xe máy vào phố đi bộ.
PV