Thông báo cho biết, ngân hàng đã thu giữ toàn bộ tài sản dự án gồm: các căn hộ và sàn trung tâm thương mại chưa bán hoặc cho thuê, quyền thu từ các hợp đồng mua bán căn hộ, sàn trung tâm thương mại đã ký, toàn bộ tài sản là quyền phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty Hoàng Vương và Công ty CP Sông Đà 1.01.

Hà Nội: Dự án Tokyo Tower Hà Đông bị ngân hàng siết nợ? - Hình 1

Dự án Tokyo Tower mới bị ngân hàng siết nợ

Trước đó, PVcomBank thông báo, Công ty Thương Mại Hoàng Vương đang nợ ngân hàng này gần 114 tỷ đồng, bao gồm gần 92 tỷ dư nợ gốc và hơn 22 tỷ đồng dư nợ lãi. 

Từ cuối năm 2015, Công ty Thương Mại Hoàng Vương đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ 552 hợp đồng mua bán căn hộ thuộc dự án tại PVCombank.

Thông báo của PVcomBank cho biết đã mời những khách hàng mua dự án này và các bên có liên quan như nhà cung cấp, nhà thầu...liên hệ với ngân hàng trước ngày 4/10 để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày 8/10 tới đây, ngân hàng sẽ tổ buổi làm việc với các khách hàng mua căn hộ tại dự án để xử lý các vấn đề liên quan.

Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Lanmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.

Chủ đầu tư Tokyo Tower là liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01. Trước đó tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh 1.000 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 khi đó cho biết đã thế chấp toàn bộ dự án. 

Huy Trung