Kỷ luật hàng loạt cán bộ, vi phạm TTXD vẫn tái diễn
Liên quan đến công tác quản lý, giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn, mới đây tại phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND TP. Hà Nội khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng (sáng 25/3/2019), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho hay, trong 3 năm qua, đã có 98 cán bộ là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đã bị kỷ luật, cách chức liên quan đến trách nhiệm trong quản lý TTXD tại địa bàn phụ trách.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Phiên giải trình sáng ngày 25/3/2019
Trước đó, từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018 (tại văn bản gửi HĐND TP, báo cáo tổng hợp về tình hình thực hiện kết luận tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hà Nội), Sở Xây dựng đã thành lập các Hội đồng kỷ luật xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân TTXD có khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao phụ trách.
Cụ thể, lãnh đạo Sở Xây dựng đã ban hành một quyết định, đồng thời chỉ đạo Chánh Thanh tra Sở ban hành 33 quyết định để kỷ luật đối với các cá nhân có khuyết điểm. Trong đó, khiển trách 29 trường hợp, cảnh cáo 5 trường hợp. Đồng thời yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại, hạn chế của đơn vị.
Trong số 34 cá nhân bị áp dụng hình thức kỷ luật, có 10 cá nhân hiện đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm: 1 Phó Chánh Thanh tra Sở, 3 Đội trưởng và 6 Đội phó Thanh tra xây dựng các quận, huyện). Cụ thể, 10 cán lãnh đạo Thanh tra xây dựng bị kỷ luật gồm: 1 Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng; Đội trưởng Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm; quận Long Biên; Đội trưởng Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì.
Ngoài ra, có 6 lãnh đạo là Đội phó các Đội Thanh tra xây dựng bị kỷ luật gồm: 2 Đội phó Thanh tra xây dựng quận Hoàng Mai; 1 Đội phó Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì; 3 Đội phó Thanh tra xây dựng quận Hà Đông.
Cũng tại phiên giải trình sáng 25/3/2019, ông Trần Huy Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, tất cả văn bản đều khẳng định, trách nhiệm quản lý trật tự đô thị trước hết thuộc về đội quản lý TTXD và UBND các xã, phường, thị trấn. Trong nhiều năm qua, UBND TP đã thành lập các đoàn thanh tra công vụ kiểm tra thường xuyên và đột xuất để bảo đảm kỷ cương.
Sở Nội vụ sẽ tăng cường kiến nghị thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã thường xuyên tự kiểm tra các vụ việc đã nêu để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, khi mà Lãnh đạo TP. Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện phải xử lý nghiêm tình trạng vi phạm TTXD, tránh tái diễn, kéo dài…, thì trên địa bàn phường Yên Hòa (Cầu Giấy) lại đang “mọc” lên hàng loạt công trình có dấu hiệu xây dựng sai phép, vượt phép, vi phạm nghiêm trọng về TTXD, nhưng chưa được xử lý theo đúng quy định, khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi về công tác quản lý, giám sát địa bàn của chính quyền địa phương…
Đề nghị xem xét trách nhiệm đối với lãnh đạo phụ trách
Đơn cử, dọc tuyến đường Nguyễn Khang, không khó để nhìn thấy hàng loạt các công trình “siêu khủng” như: Công trình số 287; công trình số 401; công trình số 367-369; công trình số 415-417 nguyễn khang, công trình ngõ 255/36 Nguyễn Khang và công trình ngõ 105/105/34/6 Yên Hòa, 120 Hoa Bằng…
Công trình số 287 đường Nguyễn Khang
Trong đó, hai công trình số 367-369 Nguyễn Khang đang xây dựng với chiều cao lên tới 8 tầng, mật độ xây dựng gần 100%, chiều cao vượt trội so với các công trình khác, có dấu hiệu vi phạm TTXD, lấn chiếm vỉa hè, vật liệu xây dựng được để tràn ra lòng đường và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, dù cách trụ sở UBND phường Yên Hòa không xa, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho thi công, hoàn thiện…
Công trình số 416, 417 đường Nguyễn Khang
Tiếp đến tại công trình số 287 Nguyễn Khang, về cơ bản đã hoàn thiện xong phần thô. Mặt tiền của ngôi nhà luôn được che kín bằng lưới, như muốn tránh sự để ý người đi đường. Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, cũng có thể nhận ra chiều cao của công trình này đã lên đến 9 tầng, vượt trội hơn những công trình khác.
Chưa dừng lại đó, dù được chủ đầu tư bịt kín, nhưng chiều cao của công trình số 401 Nguyễn Khang cũng vượt trội hơn hẳn cho với các công trình xung quanh. Hiện tại, công trình vẫn đang để thép chờ… Cách đó không xa, công trình có địa chỉ số 415-417 Nguyễn Khang cũng đang thi nhau… vươn cao.
Công trình số 401 đường Nguyễn Khang
Cách UBND phường Yên Hòa không xa, là công trình ngõ 255/36, theo phản ánh của người dân nơi đây, thì đây là công trình nhà ở, nhưng được chủ đầu tư xây dựng theo kiểu chung cư mi ni. Hiện, công trình này có chiều cao vượt trội hơn hẳn so với các nhà khác. Có dấu hiệu về việc xây dựng vượt tầng, sai mật độ.
Công trình số 120 đường Hoa bằng
Bên cạnh đó, tại ngõ 105/105/34/6, một số công trình cũng đang được thi công xây dựng, hầu hết đều có chiều cao vượt trội hơn những công trình khác. Đặc biệt, theo phản ánh của người dân, các công trình xây dựng tại đây đều có dấu hiệu vi phạm TTXD.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Quang – Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do mới nhận nhiệm vụ tại phường, nên cũng không nắm rõ. Theo ông Quang, các công trình nêu trên có sai, nhưng sai không đáng kể...
Công trình tại ngõ 255/36 đường Nguyễn Khang
Khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ liên quan tới giấy phép xây dựng, biên bản làm việc và các giấy tờ liên quan, thì ông Nguyễn Xuân Quang từ chối với lý do: “Việc cung cấp giấy phép xây dựng là thẩm quyền của Chủ tịch phường…”.
Để tìm hiểu rõ hơn về biện pháp xử lý đối với các công trình xây dựng sai phép trên địa bàn phường Yên Hòa, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Cầu Giấy, và được Phó chánh văn phòng quận này cho biết, đã chuyển vụ việc về phường Yên Hòa và yêu cầu lãnh đạo phường trả lời.
Hai công trình số 367 và 369 đường Nguyễn Khang
Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của đại diện UBND quận Cầu Giấy, PV đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo phường Yên Hòa để nắm bắt phương án xử lý các công trình vi phạm TTXD (như báo đã phản ánh) theo đúng quy định, nhưng lãnh đạo phường này đều từ chối làm việc với lý do “Bận”.
Nhận định về sự việc, Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Địa bàn nào vi phạm nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên.
“Những quy định về xử lý vi phạm trong TTXD và quản lý đô thị đã rất chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng để tình trạng vi phạm diễn ra thì không thể không nói tới trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi, nếu họ quản lý chặt chẽ, kiêm quyết xử lý sai phạm theo đúng quy định, thì ai dám vi phạm? Ngược lại, nếu địa phương buông lỏng quản lý hay cố tình làm ngơ, hoặc bị mua chuộc… thì vi phạm chồng vi phạm là điều đương nhiên” - Luật sư Diện cho hay.
Cũng theo Luật sư Vi Văn Diện, muốn TTXD đi vào nền nếp, thì việc đầu tiên là xử lý cán bộ; địa bàn nào để xảy ra vi phạm nhiều, khiếu kiện nhiều thì cán bộ quản lý ở đó phải bị xử lý đầu tiên, như cách chức, chuyển công tác. Cứ làm nghiêm vậy, xây dựng đô thị sẽ đi vào nền nếp...
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị UBND TP. Hà Nội, quận Cầu Giấy và các cơ quan liên quan sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD trên địa bàn phường Yên Hòa theo đúng quy định. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, để hoạt động vi phạm TTXD tái diễn, kéo dài…
Quốc Trường