Xây dựng bệnh viện Ung bướu ngay trong KĐT
Theo ghi nhận của PV báo Thương hiệu và Công luận, nhiều người dân KĐT cầm theo băng rôn, biểu ngữ để phản đối chủ đầu tư.
Hàng trăm cư dân căng băng rôn phản đối CĐT tại Công viên Khu đô thị Ngoại giao đoàn và quanh KĐT
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Hòa Thái (đại diện cư dân tòa N03 T3-4) cho biết: " Ngày hôm nay, chúng tôi tập trung phản đối để yêu cầu 3 vấn đề chính. Thứ nhất, bệnh viện được xây trong quy hoạch khi chúng tôi mua nhà là đầu mối kỹ thuật. Thứ hai, cư dân chúng tôi rất bức xúc về việc hoàn thiện sổ đỏ. Thứ ba là việc hoàn thiện các cơ sở hạ tầng cho cư dân và những vấn đề liên quan khác".
Theo bà Thái, hiện vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất là việc xây dựng bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản.
"Quy hoạch ban đầu là khu đất để xây dựng đầu mối kỹ thuật và phục vụ cho KĐT Ngoại giao đoàn về cơ sở hạ tầng chứ không phải để xây bệnh viện. Chúng tôi lo ngại sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của chúng tôi. Ngoài ra, có những điều chỉnh quy hoạch là xây những khu cao tầng. Như vậy, sẽ gây áp lực cho cơ sở hạ tầng, chúng tôi không đồng ý", bà Thái cho biết thêm.
Từng được mệnh danh là một trong những nơi đáng sống nhất Hà Nội, cư dân KĐT Ngoại giao đoàn vẫn đang phải loay hoay giải quyết hàng loạt những tồn đọng.
Bà Phương Dung (cư dân tòa N01 T5) cho hay: "Tôi chuyển đến sinh sống tại KĐT Ngoại giao đoàn từ tháng 9/2015. Là những hộ đầu tiên đến ở, từ đó đến nay tôi vẫn chưa có sổ đỏ. Việc thay đổi quy hoạch mà cư dân không được biết gì khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Cư dân khi mua nhà trong khu này, thì được biết rằng mình sẽ được hưởng những tiện ích trên 4 khu đất công cộng gồm trường học, tổ hợp thể dục thể thao, vườn hoa, đầu mối kỹ thuật...Tuy nhiên, giờ thay đổi như vậy, tôi tin cơ sở hạ tầng sẽ không chịu nổi. Một khu đô thị lớn gồm hàng chục tòa nhà lớn, với 21.000 cư dân, không thể không có một trạm biến thế riêng".
Bà Dung nói rõ: “Khu đất để xây dựng bệnh viện này được thiết kế ban đầu là trạm biến áp riêng cho KĐT. Việc xây bệnh viện ở đây, trạm biến áp không còn nữa, thì hệ thống điện cho cả khu đô thị này sẽ rất kém. Hiện chúng tôi đang dùng chung hệ thống điện của quận Bắc Từ Liêm, rất nhiều lần tự nhiên mất điện, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của tất cả chúng tôi”.
Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn phản ứng gay gắt vì lo ngại việc xây dựng bệnh viện Ung bướu của CĐT C
Bên cạnh đó, cư dân còn bức xúc vì hiện tại, hạ tầng cơ sở trong khu đô thị vô cùng kém, đường không thông, đèn đường và các hạ tầng công cộng kém, khiến cho nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.
Ngoài ra, nhiều tòa không được nghiệm thu PCCC do tự ý điều chỉnh thiết kế tòa nhà. Nhiều tòa chưa có chứng nhận PCCC đã đưa vào sử dụng, rất nguy hiểm.
Nghiêm trọng nữa là chủ đầu tư không cấp sổ đỏ cho dân, cư dân hàng chục tòa, có tòa về ở 3,4 năm nay vẫn chưa có sổ đỏ, trong khi 100% tiền đã đóng.
CĐT đối thoại, dân lo thất hứa
Cũng theo chia sẻ của người dân, vào ngày 10.5, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị (KĐT) Ngoại giao đoàn - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã có buổi đối thoại với cư dân KĐT Ngoại giao đoàn. Nội dung cuộc đối thoại chủ yếu nhằm giải quyết các kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT này.
Tuy nhiên, hôm nay, ngày 12/5/2019, cư dân vẫn tập trung xuống đường phản đối CĐT. “Mặc dù ngày 10/5 vừa qua chúng tôi đã có cuộc đối thoại với CĐT Hancorp, thế nhưng chúng tôi rất lo ngại việc chủ đầu tư thất hứa. Họ hứa, cam kết rất nhiều lần từ chủ CĐT cấp 1 đến CĐT thứ cấp, nhưng chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề thực hiện, mà đến giờ họ chưa thực hiện được”, bà Thái cho biết.
Theo tìm hiểu, Khu đô thị Ngoại giao đoàn tại phường Xuân Tảo (Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Tổng công ty Xây dựng Hà Nội –CTCP (Hancorp) làm chủ đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng và cảnh quan khu đô thị Ngoại giao đoàn từ năm 2006.
Dự án này có quy mô, diện tích 62,8 ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài tại Hà Nội.
Đây là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… đây cũng chính là lý do mà hàng nghìn cư dân bỏ tiền mua căn hộ tại khu đô thị này.
Ngày 22 tháng 01 năm 2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Khu Đoàn ngoại giao, thành phố Hà Nội (“Quyết định 368”). Theo quy hoạch này, Dự án Đoàn Ngoại giao sẽ có tổng dân số khoảng 9700 người với các chỉ tiêu cụ thể về quy hoạch kiến trúc.
Tuy nhiên, ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội khiến các cư dân bất ngờ và bức xúc và lo lắng.
Việc điều chỉnh cụ thể như sau: các ô có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp thì nay điều chỉnh đều được tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều.
Ô đất ký hiệu CC2 có diện tích khoảng 9.549m2 trước đây được phê duyệt có chức năng công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%; nay được điều chỉnh với mật độ xây dựng tăng lên 40%.
Ô đất ký hiệu CC3-4 có diện tích 4.044m2, trước đây có chức năng đất công cộng, dịch vụ với mật độ xây dựng 20,5%, tầng cao trung bình là 5 tầng. Nay được được chuyển đổi sang mục đích sử dụng là đất công cộng đô thị (công cộng, dịch vụ thương mại văn phòng), nâng mật độ xây dựng lên 35% với tầng cao công trình là 15 tầng + 3 tầng hầm.
Ô đất CC5 trước đây có diện tích 8.664m2 được quy hoạch là đất công cộng, dịch vụ, thương mại với mật độ xây dựng 30%, tầng cao trung bình là 7 tầng thì được điều chỉnh thành tòa nhà cao 27 tầng + 3 tầng hầm…
Đặc biệt là ô đất ký hiệu ĐMKT1 theo điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt có chức năng đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) với quy mô 4.801m2, không xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc. Hiện nay điều chỉnh thành ô đất có ký hiệu BV có chức năng đất công cộng đô thị, với mật độ xây dựng 40%, tầng cao công trình 12 tầng + 2 tầng hầm.
Trong quy hoạch điều chỉnh, tại khu đất số ĐMKT1 sẽ xây dựng Bênh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản với quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường. Cư dân lo lắng về việc triển khai một bệnh viện ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn dân, giữa các Đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Dự án Đoàn ngoại giao tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của Dự án đoàn ngoại giao....
Trước thực trạng này, nhiều cư dân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch Quyết định số 2905/QĐ-QHKT đã được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại dự án. Đồng thời, việc thay đổi này còn làm phá vỡ quy hoạch tổng thể dự án, làm tăng mật độ xây dựng, gây áp lực hạ tầng giao thông, thiếu hụt trường học, nhà trẻ, khu vui chơi…
Liên quan đến vụ việc, cư dân đã tiếp tục có đơn kiến nghị mới về điều chỉnh lại một số ô đất và yêu cầu đối thoại gửi tới Chủ tịch TP Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội và chủ đầu tư Hancorp, đơn kiến nghị mới đây nhất là vào ngày 11/3/2019.
Theo đó, ở các lô đất NG01, NG02, CC5 theo quy hoạch cũ và điều chỉnh mới đều là những tòa chung cư cao từ 15 đến 27 tầng; cư dân kiến nghị điều chỉnh lại thành shophouse cao tối đa 5 tầng. Với các khu đất quy hoạch xây dựng các công trình trường học, nhà trẻ, các cư dân kiến nghị giữ nguyên quy hoạch theo quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22/2/2010 của UBND TP Hà Nội.
Còn các khu đất như CC2, CC3-4 hoặc DDMKT1, cư dân đề nghị quy hoạch xây dựng đảm bảo không tăng mật độ dân số, không gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt cư dân… và việc điều chỉnh lại đề nghị đại diện cư dân khu đô thị Đoàn Ngoại giao phải được tham gia ý kiến.
Trúc Mai