Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 1

Trên thực tế, huyện Hoài Đức còn nhiều tiêu chí chưa đạt được nếu nâng cấp lên thành quận

Theo Nghị định số 62/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận phường tại Điều 6, Chương 2 nêu rõ: quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau đây:

a) Mật độ dân số đạt từ 10.000 người/km2 trở lên;

b) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động;

c) Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên;

d) Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh;

đ) Có quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, đối với trường hợp quận được thành lập để mở rộng khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Điểm đ và đạt từ 70% trở lên mức tiêu chuẩn quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.

Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 2Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 2

Quy đất xây dựng khu Trung tâm dịch vụ thương mại tại lô đất CC3 thuộc KĐT mới Vân Canh

Căn cứ vào theo Nghị định số 62/2011/NĐ–CP của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cho biết, 4 huyện ngoại thành bao gồm Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt đủ điều kiện để chuyển thành quận. Cụ thể như: Cân đối thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng khung, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị, đường đô thị được chiếu sáng …

Tính riêng huyện Hoài Đức, đến thời điểm này trên địa bàn huyện có 900 dự án với kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng được đầu tư tập trung vào các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh: trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, giao thông, chiếu sáng, tiêu thoát nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, hàng loạt dự án trên vẫn đang trong tình trạng dừng tiến độ, chưa thi công hoặc đã xong, nhưng không có người ở. Điển hình như: Dự án Khu đô thi (KĐT) Vân Canh, KĐT Bắc, Nam An Khánh, Geleximco, KĐT Bắc Quốc lộ 32… Hầu hết các KĐT này đều có lượng dân cư thưa thớt, mật độ dân số của huyện chỉ đạt 2.700 người/km2. Có thể nói, đây là một tiêu chí quan trọng, nhưng huyện Hoài Đức lại chưa hoàn thành.

Mặt khác, huyện Hoại Đức là nơi tập trung nhiều làng nghề, khiến tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 91,7%. Việc tập trung nhiều làng nghề gây nhiều hệ lụy về môi trường điển hình như các sông trên địa bàn huyện đang bị ô nhiễm trầm trọng nhiều năm qua. Đây là hệ quả của việc sản xuất ở các làng nghề như: Dương Liễu, Minh Khai…

Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 3

Hàng loạt biệt thự bỏ hoang trong khu đô thị Lideco tại đường 32, thị trấn Trạm Trôi

Nhiều hộ dân sản xuất ở các làng nghề, trong quá trình sản xuất không đầu tư trang thiết bị một cách đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải còn sơ sài là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng tại các dòng sông trên địa bàn huyện.

Các chỉ tiêu về giao thông, hệ thống các công trình chiếu sáng, tỷ lệ đất cây xanh, sân chơi vườn hoa… hiện vẫn còn thiếu; hệ thống tiêu thoát nước chung của huyện chưa được quy hoạch và triển khai xây dựng đồng bộ, nguy cơ gây úng ngập các khu dân cư, tiêu thoát nước, ảnh hưởng vệ sinh môi trường giữa các đô thị mới và khu dân cư hiện trạng…

Bên cạnh đó, việc giải quyết tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng quy hoạch các dự án, nhất là người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; Các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; quản lý đất đai, trật tự xây dựng trong quá trình đô thị hoá; việc thay đổi nếp sống dân sinh; phát sinh, gia tăng tội phạm, tệ nạn xã hội trong quá trình phát triển... Vấn đề gia tăng dân số cơ học quá nhanh gây áp lực đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhất là hệ thống trường học, cơ sở chăm sóc y tế và việc thực hiện các thủ tục hành chính là những vẫn đề cần được giải quyết nếu huyện Hoài Đức được lên quận.

Qua đó, toàn huyện Hoài Đức đã đạt được 5/6 tiêu chí trong nhóm chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, 14/21 tiêu chí trong nhóm chỉ số về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của tiêu chí quận. Đối với các xã, thị trấn cơ bản đều đạt từ 6 đến 13/15 tiêu chí phường.

Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 4Hà Nội: Huyện Hoài Đức đạt được bao nhiêu tiêu chí để lên quận? - Hình 4

KĐT Kim Chung - Di Trạch nằm trên quốc lộ 32 bỏ hoang nhiều năm nay

Trao đổi với báo chí, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp cho biết: “Việc chuyển huyện lên quận phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, không đơn giản như đổi cái tên gọi là xong. Ở đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện nhân sự mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề khác. Nhưng nhiều huyện lại muốn lên quận, bởi khi huyện lên quận được nhiều hơn mất, đây chính là lý do khiến nhiều huyện mong muốn lên quận”

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, việc Hà Nội sớm đưa 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 cần có sự tính toán và cân nhắc rất thận trọng, đặc biệt cần có cái nhìn tổng thể, bài học kinh nghiệm từ những lần trước đây, khi Hà Nội đẩy mạnh đô thị hóa.

Việc chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ được quy hoạch lại, sẽ được đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương đó theo tiêu chuẩn đô thị hóa. Việc đầu tư này sẽ làm nâng giá trị và chất lượng sống của cư dân tại địa phương, nhằm thu hút các nhà đầu tư, dẫn đến làm tăng giá trị đất đai và nhà ở tại đây.

Tuy nhiên, trên thực tế tại 4 huyện trên, chúng ta chưa thấy có nhiều sự đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các khu dân cư chưa có nhiều dự án hạ tầng xã hội như trường, trạm, các trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể thao, vui chơi giải trí. Thực tế, vẫn còn hàng loạt dự án trong tình trạng đang dừng tiến độ, chưa thi công… mà có lẽ kém nhất phải kể đến là địa bàn huyện Hoài Đức.

Huy Trung