Hàng loạt nhà xưởng, ga ra sửa chữa xe ô tô, cửa hàng kinh doanh… hoạt động trái phép trong KĐT Thành phố Giao lưu nhiều năm qua, nhưng chưa được xử lý dứt điểm
Như Thương hiệu và công luận đã thông tin, dự án KĐT Thành phố Giao Lưu được thực hiện theo Quyết định số 5994/QĐ-UB ngày 28/8/2002 và Quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 18/06/2004 của UBND TP. Hà Nội về việc thu hồi 973.977m2 đất tại thị trấn Cầu Diễn và xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm) và phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) giao cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Vigeba để đầu tư, thực hiện dự án.
Theo phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, dự án bao gồm đầy đủ chức năng nhà ở, thương mại, văn phòng, cây xanh, hồ điều hoà... có tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Ngoài khu biệt thự được xây dựng theo một mẫu thiết kế giống nhau về hình thức, chiều cao, tỷ lệ diện tích, tạo thành một quy hoạch có cấu trúc đẹp và hoàn chỉnh. Mỗi lô đất của khu biệt thự rộng khoảng 152 - 237m2 với chiều cao từ 3 - 5 tầng, trong đó riêng khu biệt thự TT4 bao gồm 94 căn biệt thự.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân sống trong KĐT Thành phố Giao lưu, khi nhận nhà về ở thì họ phát hiện ra các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng nằm trong dự án đã được phê duyệt thì không thấy đâu, mà thay vào đó là hàng loạt những bãi xe, gara ô tô, sân bóng, nhà xưởng…
Phía bên trong sân bóng là bãi trông giữ xe rộng hàng nghìn m2, với đủ các loại xe ô tô đỗ la liệt
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực được phản ánh cho thấy, dọc đường Phạm Văn Đồng đang tồn tại rất nhiều nhà xưởng, ga ra sửa chữa xe ô tô, cửa hàng kinh doanh, sân bóng… được sử dụng vào mục đích kinh doanh, thu lợi nhuân, nhưng chưa được cơ quan chức năng, chính quyền sở tại xử lý dứt điểm. Dù những công trình trái phép này đã tồn tại suốt nhiều năm qua.
Tại một điểm khác cũng thuộc KĐT Thành phố Giao Lưu, một khu đất rộng nhiều nghìn m2, được chia thành 9 sân bóng nhân tạo. Còn phía bên ngoài được chủ đầu tư tận dụng, dựng thành hàng loạt ki ốt để làm bãi rửa xe, trông giữ nhiều loại phương tiện ô tô từ 4 – 45 chỗ ngồi, xung quanh khu đất được quây tôn kín mít…
Dù những công trình trái phép này đã tồn tại, hoạt động suốt nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Hàng loạt sân bóng nhân tạo "mọc" lên trong KĐT Thành phố Giao lưu để cho thuê, thu lợi nhuận
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Đội trưởng Đội TTXD quận Bắc Từ Liêm cho hay: Hàng loạt sân bóng không phải là công trình xây dựng. Theo luật xây dựng thì không lập hồ sơ, xử lý được.
Lý giải điều này ông Mạnh cho rằng, các sân bóng họ chỉ san, gạt ra rồi trải thảm, dải cỏ nhân tạo... nên thành sân bóng, chứ không phải là công trình xây dựng, không thuộc phạm vi điều chỉnh xây dựng.
“Đây là đất dự án, họ sử dụng sai mục đích, chứ không phải là công trình xây dựng nên không lập hồ sơ? Nếu mà xây nhà xưởng, công trình không phép thì mới vi phạm TTXD… và mới xử lý được”?, ông Nguyễn Ngọc Mạnh cho hay.
Về hàng loạt nhà xưởng “mọc” trên đất dự án KĐT Thành phố Giao lưu, vị này cho hay: “Do ranh giới thuộc hai quận Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy, nên chưa xác định được. Ngoài ra đây là tồn tại từ trước, nên chúng tôi đang cho kiểm tra xác định rõ. Nếu thuộc quận Bắc Từ Liên thì sẽ tham mưu lên cấp trên để xử lý...”.
Khi mà UBND TP. Hà Nội quyết liệt trong việc xử lý sai phạm về TTXD, công tác quản lý, sử dụng đất…, thì những công trình sai phạm tại KĐT Thành phố Giao lưu vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động, thu lợi nhuận bất chính suốt nhiều năm qua, khiến dư luận không khỏi hoài nghi về công tác quản lý địa bàn của các cấp chính quyền sở tại.
Để sai phạm tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm qua, thì Chủ tịch phường Cổ Nhuế 1, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm và những đơn vị liên quan sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Đề nghị UBND TP. Hà Nội cần sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân có dấu hiệu buông lỏng quản lý, tiếp tay cho sai phạm…
Gần 100 Thanh tra xây dựng bị kỷ luật vì để xảy ra sai phạm
Sáng 25/3/2019, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng từ năm 2016 đến nay. Theo báo cáo, thời gian qua Hà Nội đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng.
Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc.
Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luận trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có 2 phó Chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó.
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Quốc Trường