Phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại Tổ dân phố Nhật Tảo 4, phường Đông Ngạc (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, nhiều năm qua, tại khu vực giáp ranh hai phường Đông Ngạc và Xuân Đỉnh xuất hiện một trạm trộn bê tông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trạm trộn bê tông này nằm sát ngay khu dân cư, hàng ngày xả bụi mù trời và phát ra những tiếng ồn đinh tai nhức óc. Mặc dù các hộ dân sống quanh khu vực đã nhiều lần có ý kiến tới chính quyền địa phương nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn không có tiến triển gì. Cùng chung nỗi niềm, bà Trịnh Thị Huê, số nhà 43, ngách 94/10 đường Tân Xuân bày tỏ lo ngại khi sinh hoạt của gia đình bà bị ảnh hưởng trầm trọng.

Quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm bao giờ mới được di dời? - Hình 1

Khu trạm trộn và dây chuyền sản xuất cọc đúc bê tông gây ô nhiễm, bức tử  khu dân cư

Nhằm làm rõ thông tin phản ánh, PV đã trực tiếp có mặt tại khu vực trạm trộn bê tông nói trên để ghi nhận thực tế. Hiện có một trạm trộn bê tông, thực chất là một bồn (silo) chứa xi măng cao hơn 10m ở gần nhà các hộ dân ngách 94/10 đường Tân Xuân. Mỗi khi nhập nguyên liệu xi măng khô, bụi bay khắp nơi và "tấn công" khu dân cư xung quanh. Cách đó không xa là nơi tập kết cát sỏi, những tấm bê tông thương phẩm với tiếng máy chạy ầm ĩ. Các nhà dân từ số 35-47 ngách 94/10 phải gánh chịu nặng nề nhất vì ngăn cách với nơi sản xuất của xí nghiệp là bức tường cao khoảng 3m nên không thể chắn bụi và ngăn ồn. Đặc biệt, vào thời điểm công nhân chạy máy nhào trộn bê tông, bụi bay mù mịt khắp nơi...Bên cạnh việc xả bụi ra môi trường, các hộ dân nơi đây còn bị ám ảnh bởi tiếng ồn đinh tai, nhức óc. 

Trong khi đó, ông Chu Thanh Hằng, Tổ trưởng tổ dân phố Nhật Tảo 4 cũng bày tỏ quan điểm bức xúc: “Xưởng đúc bê tông gây ô nhiễm nói trên là một thực trạng nhức nhối tại địa bàn suốt nhiều năm qua. Mặc dù, người dân đã nhiều lần phản ánh vụ việc tới các cấp chính quyền sở tại, nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa được giải quyết triệt để”.

Ông Trần Trung Tuyển, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh cho biết, trên địa bàn phường có tồn tại trạm trộn bê tông của Xí nghiệp 2. Trên thực tế, dù xí nghiệp này nằm trên diện tích đất do phường quản lý nhưng người dân sống tại phường Đông Ngạc lại chịu ảnh hưởng do ô nhiễm. UBND phường đã có văn bản đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, giải quyết sự việc tồn tại từ nhiều năm nay. Đồng thời, sẽ có văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng số 4 Thăng Long thực hiện đúng theo Đề án bảo vệ môi trường.

Theo ông Trần Châu Giang, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bắc Từ Liêm, phía Công ty CP Xây dựng số 4 Thăng Long đã hứa sẽ di dời bồn trộn bê tông sang vị trí cách xa khu vực dân cư, giảm tối đa ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện che chắn giảm bụi và tiếng ồn. Tuy nhiên, tại thời điểm tổ công tác kiểm tra, xí nghiệp không hoạt động nên chưa lấy được mẫu về độ ồn, bụi trong môi trường. Vì vậy, tổ công tác đã đề xuất UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo lấy mẫu đột xuất để đánh giá độ ồn, bụi, sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng.

Về vấn đề này, bà Hoàng Đức Hạnh, Trưởng phòng Tổng hợp Công ty CP Xây dựng số 4 Thăng Long thừa nhận việc sản xuất bê tông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Công ty đã nghiêm túc khắc phục bằng việc lắp đặt hàng rào chắn bụi từ khu vực đặt bồn trộn bê tông với khu vực xung quanh, có kế hoạch trồng cây xanh cao 3m tại hàng rào sát với các hộ dân ngách 94/10 đường Tân Xuân để che chắn bụi, ồn. Trong kế hoạch, Công ty sẽ di dời bồn trộn bê tông nhưng việc thực hiện cần phải có lộ trình và thời gian. Bà Hạnh cho biết, thực tế xí nghiệp này tồn tại từ sau năm 1989, có quyết định giao đất cho Liên hiệp Các xí nghiệp xây dựng cầu Thăng Long, khi đó xung quanh không có nhà dân. Từ năm 1995, một số ngôi nhà xuất hiện tại khu vực xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm cũ) và đến nay là tổ dân phố Nhật Tảo 4, phường Đông Ngạc với hàng chục hộ dân xây san sát cạnh xí nghiệp. Vì vậy, việc phát sinh bụi, ồn, ô nhiễm môi trường với khu dân cư là khó tránh.

Thực tế cho thấy, trạm trộn bê tông tồn tại cạnh khu dân cư Nhật Tảo 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, sự tồn tại của trạm trộn bê tông là do lịch sử để lại. Ngay cả UBND phường Xuân Đỉnh cũng cho rằng để giải quyết tình trạng ô nhiễm chỉ có cách di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Nhưng đơn vị nào đứng ra giải quyết việc này lại đang là dấu hỏi lớn?

 Hằng Vương T/h