Hàng loạt cửa hàng trên địa bàn TP. Hà Nội đóng cửa vì vắng khách
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thực hiện rà soát, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Trên tinh thần đó, Cục Thuế Hà Nội yêu cầu các chi cục thuế chủ động tham mưu, báo cáo, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hộ, cá nhân kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, phân loại đúng thực trạng, đúng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, bảo đảm công khai, minh bạch và yên tâm hoạt động.
Cục Thuế Hà Nội đã giao phòng Kiểm tra nội bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức; xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức lợi dụng chính sách, làm sai quy định.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, dự kiến: Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3, số thu giảm khoảng 4.200-5.400 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý 2, số thu giảm khoảng 6.600-9.400 tỷ đồng. Trong trường hợp dịch kết thúc trong quý 3, số thu giảm khoảng 10.800-12.700 tỷ đồng; nếu dịch sang quý 4, giảm khoảng 15.000-16.600 tỷ đồng.
Nếu tính cả tác động giảm thu ngân sách nhà nước do áp dụng các quy định mới nhằm hạn chế đồ uống có cồn, với mức giảm thu dự kiến 2.080 tỷ đồng, thì tổng thu ngân sách do Cục Thuế Hà Nội thực hiện có thể giảm 6.280-18.680 tỷ đồng.
Thống kê của Cục Thuế Hà Nội cho thấy 2 tháng đầu năm đã có trên 9.000 hộ kinh doanh trên địa bàn phải giải thể, đóng cửa và tạm nghỉ kinh doanh; trong đó có hơn 3.000 hộ kinh doanh phản ánh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh do Covid-19. Điều này khiến cho công tác thu ngân sách những tháng đầu năm 2020 có sự suy giảm.
T.N