Theo Sở Y tế Hà Nội, mới đây Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản về việc xử lý thuốc viên nén Clorocid Tw3 250mg giả, với thông tin trên nhãn ghi Clorocid Tw3 - Cloramphenicol 250mg, SĐK: VD-25305-16, số lô: 1118, 2118 và 2618.
Qua xem xét về chuyên môn cho thấy có sự khác biệt giữa thuốc Clorocid Tw3 250mg do công ty sản xuất và thuốc Clorocid Tw3 250mg nghi ngờ thuốc giả, đó là:
Nhãn lọ thuốc do công ty sản xuất: nét chữ nhỏ hơn nhưng rất rõ, nền màu vàng, nhìn đậm hơn, tên các vi khuẩn in nghiêng, khung của chữ GMP – WHO màu xanh, “400 viên nén” chữ “v” không viết hoa. Còn nhãn của lọ thuốc nghi ngờ thuốc giả: nét chữ hơi to hơn nhưng bị nhòe màu, nền màu vàng nhưng nhạt hơn, tên các vi khuẩn không in nghiêng, khung của chữ GMP – WHO màu đen, “400 viên nén” viết hoa chữ “V”.
Cảnh báo thuốc viên nén Clorocid Tw3 250mg giả lưu hành trên thị trường
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc do công ty sản xuất: không bị lỗi sai chính tả; trong tất cả các mục, tên vi khuẩn được viết bằng kiểu chữ “nghiêng” còn thuốc nghi ngờ thuốc giả tờ hướng dẫn sử dụng bị sai lỗi chính tả “kim khuẩn”, tên vi khuẩn có chỗ viết kiểu “chữ đứng” có chỗ viết kiểu chữ “nghiêng”, giãn cách giữa các từ rộng hơn nên bị lệch dòng, lệch bố cục.
Hình thức viên thuốc do công ty sản xuất: mặt trên của viên các nét chữ viết được dập rất sắc nét, viên chắc, không bị bong mặt, sứt cạnh, còn thuốc nghi ngờ thuốc giả: mặt trên của viên các chữ viết được dập không rõ nét, nhiều chỗ nét chữ bị bong, mất nét; viên bỡ, bong nét, sứt cạnh. Về kết quả kiểm nghiệm có sự khác biệt giữa hai mẫu.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn không buôn bán, sử dụng 3 lô thuốc Clorocid Tw3 - Cloramphenicol 250mg, số đăng ký: VD-25305-16, số lô: 1118, 2118 và 2618; đồng thời, tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Viên nén Clorocid 250mg là một nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng nấm được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực y tế dùng để điều trị các bệnh: sốt thương hàn, phó thương hàn, nhiễm salmonella, lỵ, nhiễm brucella, nhiễm trùng tiểu, viêm phổi, viêm màng não, viêm loét đại tràng, viêm ruột, bệnh hoa liễu.
Hậu quả nghiêm trọng của thuốc giả
Thuốc giả thường có chứa lượng hoạt chất ít hoặc nhiều hơn hàm lượng quy định, không có hoạt chất hoặc là chứa một thành phần hoạt chất khác. Điều rõ ràng là trong tất cả các tình huống này, việc sử dụng thuốc giả sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người sử dụng và thậm chí có thể đến mức gây tử vong.
Với thuốc giả, những tác dụng phụ trên bệnh nhân có khả năng xảy ra thường xuyên và khó kiểm soát do cán bộ y tế không xác định chính xác thành phần hoạt chất trong thuốc giả. Trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Một số trường hợp thuốc giả chứa hoạt chất, thậm chí là tá dược kém chất lượng không tinh khiết và lẫn độc chất thì người dùng thuốc có thể tử vong. Các kim loại nặng và các chất độc có thể gây triệu chứng nhiễm độc bao gồm thay đổi chức năng tim, biến đổi nồng độ đường huyết, khó thở hay suy giảm chức năng của các cơ quan trọng của cơ thể.
Việc thuốc giả được sản xuất tại cơ sở không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn quy định có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, điều này đặc biệt nghiêm trọng đối với trường hợp các thuốc dùng đường tiêm hoặc trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Hằng Vương (t/h)