Thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch. Tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền đã dẫn đến giá nhà tăng, làm cho phần lớn người có thu nhập trung bình, người thu nhập thấp ở đô thị và người nhập cư khó mua nhà hơn trước đây.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong quý 3/2020, căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nguồn cung căn hộ. Những dự án có sản phẩm thuộc phân khúc này thường nằm tại các vùng ven đang phát triển như: Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông...Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ phân khúc này luôn duy trì ở mức rất cao, đạt khoảng 70%. Trong khi đó, giá nhà chưa thấy hiện tượng công bố giảm giá, đặc biệt phân khúc nhà bình dân mức giá tăng nhẹ khoảng 3-5%.
Hà Nội: Tiếp tục thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ
Báo cáo thị trường bất động sản của CBRE, trong 9 tháng năm 2020, thị trường Hà Nội số căn hộ bán ra giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, quý 3 có 3.500 căn mở bán mới.
Giá bán trên thị trường sơ cấp trung bình ở mức 1.325 USD/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì, nguồn cung chào bán mới cả năm 2020 dự kiến dao động 14.000-16.000 căn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc nguồn cung hạn chế đang góp phần đẩy giá nhà đất tăng, đặc biệt là khi tình trạng nguồn cung khan hiếm có thể còn kéo dài, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô vẫn rất lớn. Chính vì thế, khi dịch bệnh được kiểm soát, giá bất động sản sẽ tiếp tục có xu hướng đi lên.
“Thị trường bất động sản có sự phục hồi đáng kể trong quý 3, tỷ lệ hấp thụ từ các sản phẩm mới tăng so với các quý trước. Trong số lượng các căn hộ chào bán trong 9 tháng qua, các căn hộ bình dân tiếp tục chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng có tỷ lệ hấp thụ tương đối tốt. Lượng cung căn hộ cao cấp mới tung ra thị trường cũng hạn chế, bởi tỷ lệ hấp thụ của phân khúc này đang ở mức rất thấp khoảng 10%” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3-5%, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng chưa có doanh nghiệp nào giảm giá bán. Nhiều dự án có nhu cầu thu hồi vốn đưa ra các giải pháp khuyến mại, hỗ trợ tiền vay, nhưng giá hầu như không biến động nhiều ở cả 3 phân khúc, ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Trong các phân khúc thì căn hộ thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội có nguồn cung ít nhất trong khi nhu cầu luôn ở mức cao. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng khả năng hấp thụ của nhà giá rẻ vẫn được trên 70%. Cơ cấu của thị trường chung cư vẫn lệch về phía phân khúc trung và cao cấp.
Khi thị trường căn hộ tại Hà Nội khan nguồn cung một số chuyên gia dự báo có thể hình thành mặt bằng giá mới. Với mặt bằng giá hiện tại, người thu nhập thấp đã khó tiếp cận nhà ở khi hình thành mặt bằng giá mới thì càng khó khăn hơn.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: “Giá nhà liên tục tăng thời gian qua những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Điều này tạo ra mối quan ngại về an sinh xã hội về nhà ở”.
Trúc Mai