Theo đó, các xét nghiệm của người bệnh trở về bình thường, tổn thương phổi cải thiện rất tốt. Hiện người bệnh tự thở khí phòng và có thể tự đi lại, sinh hoạt, không cần sự trợ giúp của y bác sĩ.

Từ chiều 7/3, bệnh nhân đã được chuyển từ Khoa Hồi sức xuống Khoa Nội – Truyền Nhiễm để điều trị.

“Lần xét nghiệm gần nhất, bệnh nhân vẫn dương tính SARS-CoV-2. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục phác đồ điều trị Covid-19 của Bộ Y tế cho đến khi bệnh nhân đủ số lần âm tính”, TS. Lan cho hay.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Hải Dương tên N.V.H., nam, 60 tuổi. Ông H. được chuyển từ Trung tâm Y tế Kinh Môn tới Bệnh viện dã chiến số 2 lúc 11h30’ trưa ngày 17/2. Khi nhập viện, người bệnh đã suy hô hấp rất nặng, thở nhanh, oxy trong máu xuống vô cùng thấp, chỉ còn 70% (ở người bình thường, chỉ số này khoảng hơn 95%).

Ngay lập tức, bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy lưu lượng cao, tuy nhiên đáp ứng rất kém. Đến 0h30’ rạng sáng 18/2, bệnh nhân chuyển nguy kịch, phải đặt ống nội khí quản.

Trong ngày 19/2, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế hội chẩn chuyên môn, đưa ra ý kiến chỉ đạo điều trị cho bệnh nhân này. Các chuyên gia đã tính đến phương án can thiệp ECMO nếu tình trạng tiếp tục diễn tiến xấu. Bệnh viện Bạch Mai cử thêm nhân lực về hồi sức tích cực, chuyển trang thiết bị về Hải Dương để sẵn sàng cho tình huống cần thiết.

Những ngày sau đó, bệnh nhân được lọc máu tích cực kết hợp thở máy. May mắn, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có sự hồi phục rất tốt, không cần can thiệp ECMO. Sáng 22/2, ông H. được rút ống nội khí quản, có thể tự thở. Đến ngày 23/2, người bệnh đã tỉnh táo, được nhân viên y tế dìu để tập đi lại.

Minh Đức