Hải Dương: Đất “vàng” bị bỏ hoang? - Hình 1

 

Hải Dương: Đất “vàng” bị bỏ hoang? - Hình 2

 

Bài 3:  Vì sao đất “vàng” bị mua bán trao tay? 

Trong khi cơ quan chuyên môn có kết luận, đề xuất, kiến nghị…, nhưng cấp có thẩm quyền lại không ra được quyết định cụ thể giải quyết dứt điểm vụ việc?

Ông Vũ Thế khanh, Tổng giám đốc UIA thắc mắc: Trong khi diện tích đất được cấp cho đơn vị trực thuộc có nhiều vướng mắc cần được giải quyết dứt điểm, cần một quyết định rõ ràng cụ thể của UBND tỉnh Hải Dương, nhưng không hiểu sao lại bị kéo dài hàng chục năm trời? Phải chăng, vì quá khó hay không thể thu hồi đất ngay được nên họ làm như vậy để lấy đất hợp pháp của chúng tôi giao cho đơn vị mua bán đất trái pháp luật.  

Cũng theo ông Khanh: “Bắt đầu từ năm 2008, Trung tâm và UIA liên tiếp có đơn gửi cơ quan, ban, ngành chức năng tỉnh Hải Dương để làm rõ việc các công trình xây dựng bị đình chỉ, cưỡng chế phá dỡ.

Lãnh đạo Trung tâm là ông Ngô Văn Tuyên, Giám đốc (năm 2007), có đơn xin nghỉ việc do bị bệnh tiểu đường và suy tim, đi nước ngoài chữa bệnh. Trước khi nghỉ việc, ông Tuyên đã không chấp hành chỉ đạo của UIA là bàn giao con dấu, hồ sơ và công việc, mà đã tự ý làm văn bản trả đất cho tỉnh Hải Dương. Sau đó, ông Tuyên tự ý thỏa thuận nhận tiền, bàn giao tài liệu, đất đai, chứng từ tài chính trái pháp luật cho Công ty Nam Cường.

Nhưng không hiểu sao, sự việc không được giải quyết triệt để “đúng sai” mà chỉ dừng lại ở kết luận, đề xuất, kiến nghị… của Sở TN&MT, kéo dài cả chục năm, UBND tỉnh Hải Dương không hề có động thái gì. Vậy lý do này là từ đâu; có phải do việc làm của Trung tâm không sai nên UBND tỉnh Hải Dương không thể ra được quyết định như đề xuất của Sở TN&MT?

Còn nếu Trung tâm có sai theo đúng luật phải thu hồi lại đất, tại sao UBND tỉnh Hải Dương cũng không ra được quyết định, mà sự việc lại im lặng hàng chục năm qua? Đất cấp cho chính chủ là Trung tâm; được cơ quan UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 2916/QĐ-UB về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm KH&CN tin học - xây dựng Hải Dương”.

Ngày 17/1/2005, Sở Xây dựng Hải Dương cấp Giấy phép số 01/GPXD cho Trung tâm - được phép xây dựng công trình nhà ở cán bộ, công nhân viên. Ngày 23/8/2006, Sở Xây dựng Hải Dương lại tiếp tục cấp Giấy phép xây dựng số 20/GPXD cho Trung tâm xây dựng công trình nhà xưởng thực hành và sản xuất, nhà đào tạo (Giấy phép có hiệu lực khởi công xây dựng, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp.)

Cũng chính cơ quan chính quyền cao nhất tỉnh Hải Dương vào ngày 21/4/2004, UBND tỉnh ký Quyết định số 1514/2004/QĐ-UB thành lập Trường Dân lập dạy nghề công nghệ cao UIA Hải Dương (thuộc UIA). Sau đó, ngày 21/12/2006, UBND tỉnh ký Quyết định số 4373/QĐ-UBND đổi tên trường thành Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức (thuộc UIA).

Tại quyết định này, địa điểm của trường đã được UBND tỉnh đồng thuận theo như đề xuất của UIA, trên cùng vị trí đất mà trước đây, ngày 28/12/2002, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 5629/QĐ-UB về việc Cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Trung tâm, để xây dựng trụ sở và xưởng thực nghiệm; tại Tờ bản đồ số 11, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương), mục đích sử dụng đất: lâu dài. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường thực hiện theo Quyết định số 1514/2004/QĐ-UB ngày 21/4/2004 của UBND tỉnh và các quy định của pháp luật.

 Ngày 13/3/2007, Sở LĐ-TB&XH Hải Dương đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề số 01/2007/GCNĐKDN cho Trường Trung cấp nghề công nghệ cao Việt Đức (địa chỉ trụ sở chính: số 52 Nguyễn Lương Bằng, phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).

 Nếu có sai thì các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương làm sai, chứ đơn vị thuộc UIA không sai, nhưng ngành TN&MT Hải Dương lại yêu cầu thu hồi đất và có đề nghị  cấp cho doanh nghiệp khác. Công ty này đã có ý đồ chiếm đoạt diện tích đất hợp pháp của Trung tâm, bằng việc mua bán trái phép với cá nhân lãnh đạo của Trung tâm”.

 Trong khi việc làm sai không bị xử lý, cái đúng thì bị Sở TN&MT có tình “bẻ cong”?

Ông Khanh, trình bày: Điều này được thể hiện rõ trong Kết luận Thanh tra số 429/KL-TNMT của Sở TN&MT ngày 21/10/2008. trong đó, có nội dung: “… Không công nhận thỏa thuận chuyển giao tài sản, chi phí đầu tư vào đất không đúng quy định pháp luật đất đai giữa Trung tâm với Công ty Nam Cường (nay là Tập đoàn Nam Cường), hậu quả 2 bên tự thương lượng giải quyết và theo đúng quy định của pháp luật dân sự”.

Đây là hành vi lừa đảo mua bán trái pháp luật tài sản của tập thể. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Sở TN&MT lại cho rằng đó là hành vi dân sự?.

Sau đó, lại có đề nghị thu hồi diện tích đất đang thực hiện hành vi “lừa đảo” chưa được làm rõ ràng để cấp cho chính đơn vị sai phạm. Điều này được nêu trong nội dung cuối của bản Kết luận, như sau:

 “… Giao các sở, ngành liên quan (Tài chính, KH&ĐT Xây dựng, TN&MT Cục Thuế) căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với UBND TP. Hải Dương, các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý chi phí đầu tư trên diện tích  đất 4.640 m2 thu hồi của Trung tâm và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung xây dựng Khu Thương mại – du lịch – văn hóa  và đô thị mới phía tây, TP. Hải Dương đã được phê duyệt đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật”…

 Hiện nay, các văn bản hồ sơ  giải quyết liên quan đến diện tích đất cấp cho Trung tâm, hàng chục năm qua, không hiểu sao chỉ dừng lại ở cơ quan chuyên môn là Sở TN&MT? Vì lý do, nguyên nhân gì mà các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương chưa có ý kiến chính thức giải quyết vụ việc này?

 Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Tuấn Minh