THCL Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chấn chỉnh công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Tuy nhiên, tại TP. Hải Dương, nhiều cơ quan công sở biến thành ki ốt…

Cải thiện đời sống cho CBNV…

Trung tâm Triển lãm Hải Dương được chia nhỏ thành nhiều ki ốt cho người dân thuê kinh doanh, buôn bán linh kiện điện thoại, làm biển quảng cáo.

Tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề Hải Dương, cho thuê làm nơi kinh doanh quán bia, xe máy. Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương, cũng bị “xẻ thịt” để xây dựng ki ốt làm nơi kinh doanh cà phê. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương (trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương) đã lấy một phần diện tích để xây dựng hàng loạt ki ốt làm nơi bán nước, cầm đồ và sửa ô tô, xe máy…

Việc những đơn vị này biến trụ sở thành ki ốt cho thuê, không chỉ gây thất thoát nguồn NSNN, mà còn gây mất cảnh quan đô thị.

Dư luận thắc mắc: Việc biến công sở thành các ki ốt đã diễn ra từ lâu, nhưng không thấy các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ? Số tiền các đơn vị này cho thuê chi tiêu ra sao, có được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hay không?...

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống gia súc Hải Dương cho biết: “Khi cho thuê, chúng tôi đều ký các hợp đồng liên kết. Số tiền thu được từ các ki ốt này, được đưa vào quỹ cơ quan để trả thêm một phần lương cho CBNV”.

Hỏi “việc cho thuê, công ty có báo cáo với UBND tỉnh và có được chấp thuận hay không?” thì ông Định trả lời: “Chúng tôi chưa báo cáo với UBND tỉnh. Vì những người thuê đều là CBNV của công ty và người nhà của họ. Vả lại, những ki ốt này được xây dựng từ lâu nên đơn vị tận dụng cho anh em thuê để tăng thêm thu nhập”.

Để không tạo hệ lụy xấu

Hàng loạt ki ốt mọc lên như nấm tại các cơ quan nhà nước, việc tự ý “xẻ thịt” một phần đất trụ sở để cho thuê - liệu có đúng pháp luật?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An (Thanh Xuân, Hà Nội): “Điều 5 QĐ 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (sửa đổi, bổ sung bằng QĐ 140/2008/QĐ-TTg và QĐ 71/2014/QĐ-TTg):

Đối với cơ sở nhà, đất sử dụng không đúng quy định: Trường hợp đang cho thuê toàn bộ hoặc một phần khuôn viên (không phân biệt độc lập hay không) thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có cơ sở nhà, đất đang cho thuê phải chấm dứt hợp đồng trong thời hạn tối đa sáu (06) tháng kể từ ngày QĐ này có hiệu lực thi hành để sử dụng đúng mục đích; sau thời hạn này mà chưa chấm dứt hợp đồng thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý); đề nghị Bộ Tài chính quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương quản lý) theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP”…

Nội dung của Chỉ thị số 27 - yêu cầu tiến hành ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kiên quyết xử lý thu hồi đối với các trường hợp cho thuê, cho mượn, để trống không sử dụng hoặc sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức; xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo Nghị định số 192/2013/NĐ-CP.

Chiểu theo những nội dung trên thì hàng loạt ki ốt tại các đơn vị nêu trên ở Hải Dương đều vi phạm pháp luật.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, những đơn vị trực thuộc Nhà nước lấy đất của đơn vị mình cho thuê làm ki ốt - sẽ tạo ra nhiều hệ lụy xấu như gây lộn xộn trước cổng cơ quan, gây hư hại một số tài sản của Nhà nước, làm xấu đi hình ảnh của những cơ quan công vụ….

Ngọc Linh (Thương hiệu & Công luận)