Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mỗi năm, tại Việt Nam, số DN phá sản ước tính khoảng 100.000. Và thực tế, DN tư nhân chỉ chiếm 8% còn lại là các hộ kinh doanh cá thể. Nguyên nhân của thực tế này là bởi cơ chế, chính sách, môi trường phát triển của DN còn nhiều rào cản, hạn chế khiến DN “không thể lớn”, “không muốn lớn”.
Thủ tục hành chính “bóp nghẹt” DN
Có hàng nghìn câu chuyện về thủ tục hành chính (TTHC) đang là rào cản các DN tư nhân phát triển. Một câu chuyện dưới đây là điển hình cho rào cản đó.
Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng) mới đây đã viết tâm thư lên lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước giãi bày trăn trở về những vướng mắc TTHC mà công ty ông cũng như các DNNVV luôn mắc phải.
Theo ông Thắng, một số Điều của Luật Đất đai, Đầu tư, Xây dựng hay PCCC mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Hơn nữa, một số điều trong luật còn xa rời, chưa bám sát thực tiễn và tình hình thay đổi của cuộc sống hàng ngày.
Đơn cử như Nhà máy bê tông Gia Minh, đã đi vào sản xuất từ năm 2016, dự án có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Từ đó đến nay, Nhà máy đã nộp cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng và ngày 25/7/2018, Gia Minh đã hoàn tất việc trả tiền thuê đất một lần cho 50 năm, nhưng đến nay, theo ông Thắng, mảnh đất này vẫn chưa được cấp sổ hồng nên không thể tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng.
Ông Thắng nêu ví dụ, công ty ông phải vượt qua đến 38 quy định để có giấy chứng nhận PCCC trong sản xuất bê tông.
Hay một việc khác, công ty đã cố gắng làm tất cả các thủ tục cần thiết để xin giấy phép xây dựng một nhà máy bê tông nhưng không thể chờ đợi được.
Lý do không được cấp phép giấy xây dựng cũng rất “trời ơi” theo kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Có nghĩa là theo Luật Xây dựng, nhà máy phải đầu tư dây chuyền sản xuất thì mới được cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, không có giấy phép xây dựng thì DN cũng không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư dây chuyền sản xuất được. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn kìm hãm sự phát triển của DN.
Cực chẳng đã, DN đành xây dựng không phép. Chỉ sau 8 tháng, nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động nhưng phải mất gần 3 năm sau, cách đây mấy tháng, công ty mới nhận được giấy phép xây dựng.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó trong xin giấy phép xây dựng
Cần sự linh hoạt của lãnh đạo
Mới đây, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, DN cần làm gì, với lộ trình ra sao?
Với hàng loạt vấn đề mà Thủ tướng đặt ra, đòi hỏi các bộ ngành và địa phương cùng vào cuộc tháo gỡ, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Trao đổi về vấn đề những ách tắc trong TTHC tại địa phương, ông Phí Văn Dực, Giám đốc chi nhánh VCCI tại Hải Phòng chia sẻ, thực tế các quy định có trong văn bản là đúng với pháp luật. Nhưng ở đây, câu chuyện nếu DN thực hiện đúng với quy định thì mất cơ hội. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có tiếng nói chung, phải vận dụng những quy định này phù hợp nhất và thuận lợi nhất cho DN.
“Quảng Ninh là địa phương có những việc làm thiết thực. Theo đó, hàng tuần lãnh đạo địa phương gặp gỡ DN trao đổi thảo luận những vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ ngay”, ông Dực lấy ví dụ.
Ông Dực cho biết thêm, thời gian qua, thứ hạng PCI của Hải Phòng đã cải thiện rõ rệt, các cấp lãnh đạo thành phố tích cực có những biện pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh. Có chỗ này chỗ khác ở địa phương, ở sở ngành chưa bắt kịp được đòi hỏi của xu hướng, do đó có những cứng nhắc. Tuy nhiên, giữa lúc chưa có thay đổi, cấp lãnh đạo Bí thư và Chủ tịch thành phố cần dám làm dám chịu, năng động sáng tạo.
Theo ông Tạ Quyết Thắng, có thể chúng ta chưa đánh giá đúng mức vai trò của các văn bản pháp quy đối với sự phát triển của DN. Khi ban hành các văn bản, cơ quan chức năng chỉ đi theo một chiều, nặng về đáp ứng yêu cầu quản lý nên hoàn toàn không hội tụ đủ các yếu tố khách quan, mất tính khoa học. Đội ngũ những công chức nghiên cứu soạn thảo các văn bản này chưa đủ kiến thức thực tế.
Ngoài ra, một vấn đề khác là Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ khu vực DNNVV, nhưng không phải ở đâu và lúc nào những DNNVV cũng được đối xử công bằng với các DN lớn.
“Những ách tắc trong TTHC đã kìm hãm sự phát triển của DN tư nhân. Gỡ bỏ bằng được nút thắt đó mới mong mở đường cho các DN tư nhân cất cánh, phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các DN nước ngoài”, ông Thắng chia sẻ.
Trúc Mai