Dân hứng đủ mùi thôi thối, khói khét của nhựa!

Theo phản ánh của nhân dân các thôn Lộc Xá, Đông Xá, Đoan Xá 1, 2 và 3 xã Đoàn Xá: Mấy năm gần đây lượng rác thải của 6 xã phía nam huyện Kiến Thuỵ ùn ùng đổ về bãi rác này nhiều vô kể. Hàng ngày, những xe rác đầy chồng chất chạy qua đường xã Đoàn Xá chảy nước thối xuống dọc đường, mùi hôi thối của rác bốc lên rất khó chịu.

Đặc biệt là khu vực bãi rác chỉ 1,4 ha nhưng mỗi tháng phải chứa hàng trăm m3 rác thải từ 6 xã, trong khi việc khử trùng, tiêu độc, phân loại và xử lý chôn rác, đốt rác không được cơ sở xử lý rác thải thực hiện đúng quy trình nên đã trở thành nguồn phát tán ô nhiễm nặng cho hàng nghìn hộ dân các thôn sống quanh khu vực.

Bãi rác lộ thiên được đốt phía ngoài lò đốt toả mùi hôi thối và két của nhựa vào các khu dân cưBãi rác lộ thiên được đốt phía ngoài lò đốt toả mùi hôi thối và két của nhựa vào các khu dân cư (Ảnh: Gia Tiệp)

Cùng với lượng khói của lò đốt rác ở đây, thì công nhân của HTX xử lý môi trường Thành Vinh cũng thường xuyên đốt rác thải tại bãi tập kết rác khu vực bên ngoài toả khói đen ngùn ngụt với mùi khét của nhựa, ninon lan toả khắp một vùng không gian rộng lớn gây khó thở, đau đầu cho những người dân sinh sống quanh khu vực. Để giảm thiểu mùi hôi thối, mùi khét cháy của nhựa và ruồi muỗi tấn công, hàng trăm hộ dân sống quanh khu vực hàng ngày phải đóng cửa.

Ông Phạm Văn Hoè, Trưởng thôn; ông Nguyễn Hữu Đà, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn Lộc Xá cho biết:

"Theo quan sát của người dân chúng tôi thì HTX môi trường Thành Vinh xử lý bằng việc đốt rác thì ít, mà chỉ tập kết, chôn lấp rác thì nhiều, nên gây ô nhiễm nặng cho không khí xung quanh. Nhân dân chúng tôi đã phản ánh nhiều tại các cuộc tiếp xúc cử chi, nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết…

Ban đầu, khi mới xây dựng bà con rất vui mừng đóng tiền xử lý rác là 21.000 đồng một hộ/1 tháng và 1 tuần 2 lần thu gom rác, nhưng nay chính nhà máy xử lý rác này lại trở thành vấn nạn gây ô nhiễm, gây bệnh viêm phổi, viêm phế quản… cho nhân dân. Thậm trí đã có nhiều người chết vì căn bệnh lạ. Nếu thời gian tới việc xử lý bãi rác này không được thực hiện, nhân dân chúng tôi sẽ phải tự tổ chức “đóng cửa” bãi rác này”.

Rác thải được chất ngổn ngang tại khu vực lò đốt rácRác thải được chất ngổn ngang tại khu vực lò đốt rác (Ảnh: ảnh Gia Tiệp)

Buổi trưa phải mắc màn cho học sinh để tránh ruồi, nhặng

Có lẽ đối tượng chịu ảnh hưởng từ việc ô nhiêm môi trượng nặng nhất vẫn là các cháu học sinh trường mầm non xã Đoàn Xá.

Theo thông tư liên tịch số: 01/2001/TTLT-BKHCNMT-BXD của Bộ khoa học và công nghệ, môi trường, Bộ xây dựng hướng dẫn các qui định về bảo vệ môi trường đối với bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt việc lựa chọn địa điểm xây dựng và vận hành bãi chôn lấp chất thải thì khoảng cách thích hợp để lựa chọn bãi chôn lấp, xử lý chất thải vừa và nhỏ ở khu vực thành phố. Huyện, thị xã, thị trấn.... là 3000m đến 5000m. Bãi rác này phải cách các hộ dân cuối hướng gió chính tối thiểu là 1000m, bãi phân rác phải giữ khoảng cách 500m.

Quy trình vận hàh khu xử lý rác thảiQuy trình vận hàh khu xử lý rác thải (Ảnh: Gia Tiệp)

Bà Ngô Thị Mây, Hiệu Trưởng trường Mầm non xã Đoàn Xá cho biết “Trường mầm non xã Đoàn Xá chúng tôi với 400 cháu học sinh chỉ cách bãi rác này 300 mét. 4 năm qua không khí bị ô nhiễm mùi hôi thối, ruồi nhặn nhiều vô kể bay vào trường. Để khắc phục tình trạng này, trong giờ học, giáo viên phải đóng kín cửa, buổi trưa đi ngủ nhà trường phải dung màn loại to để che chắn ruồi nhặng. Sự việc diễn ra trong thời gian dài làm cho 400 cháu học sinh rất khó chịu, có nhiều cháu thường xuyên bị ho, viêm họng, buồn nôn... Bà Mây kiến nghị cần có công nghệ xử lý chất lượng cao và công suất lò xử lý rác phải cao hơn nữa, nếu không thì phải di dời bãi rác thải đi nơi khác…”

HTX Thành Vinh xử lý rác không đúng quy trình?

Khi phóng viên tiếp cận bãi rác, từ xa đã thấy màn khói đen bao phủ cả một vùng, từng đám cháy nhỏ được đốt lên trong toàn bộ bãi rác.

Tiến sâu vào trong khu vực lò đốt rác thì thấy thấy rác thải được để ngập ngụa khu vực lò đốt, lác đác chỉ có vài công nhân đang phân loại rác. Khi thấy chúng tôi đến bất chợt thì một ai đó có bật dây băng chuyển rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc bao trùm, ruồi nhặng bậu kín khắp nơi.

Ông Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá, Phạm Hồng Cương trao đổi với PVÔng Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá, Phạm Hồng Cương trao đổi với PV (Ảnh: Xuân Trường)

Đi cùng phóng viên chúng tôi là ông Phạm Hồng Cương, phó bí thư đảng ủy-Chủ tịch UBND xã Đoàn Xá cho biết: “Năm 2004, xã Đoàn Xá xây dựng đề án thu gom xử lý rác thải thực hiện với quy mô nhỏ. Năm 2013, thành phố và huyện Kiến Thuỵ cho xây dựng lò đốt rác mini, công suất là 500kg/giờ. 2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp phối hợp vận hành lò đốt, nhưng công suất không đảm bảo.

Lượng rác ùn ứ nhiều nên UBND huyện và đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng đến trực tiếp kiểm tra thi lò chỉ đạt công suất hoạt động chưa đầy 300 kg/giờ. Trong khi đó, lượng rác thu gom của xã Đoàn Xá mỗi tháng khoảng 150 – 170 m3. Năm 2017, UBND huyện bàn giao lò đốt và việc xử lý rác cho HTX Thành Vinh tiếp quản vận hành với việc xử lý rác cho 2 xã Đại Hợp, Đoàn Xá và 1 thôn của xã Đại Hà. Và đến nay UBND huyện lại cho HTX Thành Vinh xử lý rác cho 6 xã trên địa bàn. Do lượng rác của 6 xã bình quân 1000m3/tháng, nhưng việc HTX Thành Vinh xử lý không đúng qui trình UBND huyện phê duyệt.

Theo đúng qui trình thì rác thải thu gom về phải tập kết ở sân bê tông để phân loại, sau đó đưa rác qua thiết bị sàng lồng, loại nào đốt được thì cho vào lò đốt, loại không đốt được thì đem chôn. Nhưng HTX Thành Vinh tập kết rác về không được đổ vào sân bê tông để phân loại, mà chỉ phân loại qua loa  rồi đem chôn, tỷ lệ rác thải đưa về đốt là rất thấp, nên gây ô nhiễm mùi hôi thối nặng nề, đặc biệt về đêm, làm bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Khi có thông báo đoàn kiểm tra đến làm việc thì khu vực lò đốt rất sạch sẽ, mùi hôi thôi giảm đi ít hơn so với mọi ngày, nhưng khi đoàn kiểm tra rút đi thì nạn ô nhiễm rác thải lại như cũ!

Bình quân số tiền ngân sách của huyện, xã và thu phí của dân mỗi xã hàng tháng chuyển cho HTX Thành Vinh trên 200 triệu đồng/1 xã/năm, nhưng công tác vận hành xử lý rác ở đây chưa không tốt nên gây ra việc ô nhiễm môi trường…”

Trao đổi về vấn đề này với bà Đoàn Thị Mơ- Giám đốc HTX môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh thừa nhận:

“Do sợ đổ rác vào sân bê tông để phân loại thì sợ ô nhiễm cho người lao động. Theo bà Mơ, nguyên nhân việc gây ô nhiễm môi trường là do yếu tố thời tiết và do chỉ có thu gom rác 2 lần/tuần thì khi tập kết rác về đây hầu hết rác thải đều có mùi hôi thối… vì không được xử lý ngay khi thu gom. Lò đốt rác chúng tôi hoạt động 18giờ mỗi ngày, trong đó có cả thời gian ủ lò…”.

Bãi giác lộ thiên không được phun thuốc khử trùng, tiêu độc, chôn lấp... đã trở thành nỗi ám ảnh của người dânBãi giác lộ thiên không được phun thuốc khử trùng, tiêu độc, chôn lấp... đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân (Ảnh: Xuân Trường)

Như vậy có thể thấy, mỗi năm ngân sách nhà nước đã phải chi cho HTX Thành Vinh trên 1,2 tỷ đồng cho việc xử lý rác, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường không hề được cải thiện. Vì vậy, theo chúng tôi để tự cứu mình, UBND xã Đoàn Xá đề nghị UBND huyện Kiến Thuỵ cho công khai các khoản nhà nước và nhân dân các xã đã chi cho HTX Thành Vinh và các khoản của đơn vị này chi cho công tác vận hành lò, xử lý môi trường như thế nào.

Trên nguyên tắc “dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, Huyện và UBND xã tiến hành lập đoàn giám sát, kiểm tra trong đó có cử các vị là đại diện nhân dân 5 thôn tham gia túc trực tại bãi rác và khu lò đốt để giám sát chặt chẽ việc xử lý rác thải của HTX Thành Vinh này xem có chi đúng, làm đúng quy trình vận hành theo quy định chưa (?) trong thời gian 3 tháng liền. Xem xét lại việc hạch toán chi phí của HTX này cho việc xử lý bãi rác này như thế nào(?) để tránh tình trạng “lợi ích nhóm” từ việc chiếm hưởng tiền ngân sách, bớt xén các công đoạn xử lý rác.

Cùng với đó, UBND huyện Kiến Thuỵ phải cho các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành đánh giá tác động môi trường từ bãi rác thải này và tiến hành ngay các giải pháp trong việc đảm bảo việc thu gom, vận chuyển rác của địa phương đến lò đốt rác, trách rác thải để lâu ngày gây ô nhiễm môi trường. Việc đảm bảo môi trường, sức khoẻ của hàng ngàn người dân và hàng trăm cháu học sinh mầm non phải được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, cần phải xem xét lại số lượng rác thải tập kết của 6 xã đối với công nghệ, công suất lò đốt và cách xử lý bãi rác này có còn phù hợp với thực tế không để tiến hành xây dựng mới một lò xử lý rác hiện đại, đảm bảo công suất và công tác xử lý môi trường được cải thiện rõ rệt trog thời gian tới.

TH&CL sẽ tiếp tục chuyển tải những thông tin tiếp theo đến bạn đọc về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác thải này khi có thông tin từ UBND huyện Kiến Thuỵ và các cơ quan bảo vệ môi trường thành phố.

                                                                                                                 Gia Tiệp