Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, cập nhật xu hướng mới về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhận diện cơ hội, thách thức trong qúa trình hội nhập và phát triển. Thông qua các nội dung tại hội thảo về chuyển đổi xanh và thực hiện ESG sẽ giúp nâng cao nhận thức về vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm và môi trường.
Việt Nam là một trong 5 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong 5 nền kinh tế được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu do chúng ta là một quốc gia có bờ biển dài, đồng bằng sông ngòi phì nhiêu và nền kinh tế nông nghiệp... Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chứng kiến nhiều biến đổi môi trường và tác động xấu đối với nền kinh tế và cuộc sống của con người, đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ một nền kinh tế thâm dụng tài nguyên sang một nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh Carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về Chuyển đổi xanh, về ESG đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu. Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ CNTT cho Nhật, Châu Âu, cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn về ESG cho đối tác hàng năm. Đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) không trực tiếp giúp gia tăng định giá của doanh nghiệp, nhưng nếu không tuân thủ, doanh nghiệp sẽ phải chấp nhận rời khỏi thị trường. Đặc biệt với các doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu, để có vị trí nhất định trong chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn bền vững cũng là yếu tố bắt buộc phải thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc, Việt Nam nói chung và mọi thành viên thị trường nói riêng đều cần phải tuân thủ theo các yêu cầu mới khắt khe hơn liên quan tới yếu tố ESG.
Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2014 với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đến tháng 4/2023 vừa qua, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về tăng trưởng xanh. Đây là đơn vị có chức năng giúp UBND Hải Phòng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc về tăng trưởng xanh; xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh của thành phố.
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2024 (lần thứ 4), đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho biết: “Hải Phòng là một trong những địa phương tiên phong của cả nước, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; qua hơn 10 năm thành phố luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp, hòa mình vào nhịp điệu phát triển chung của đất nước, trở thành một ‘thành phố xanh" dựa trên cơ sở một nền ‘kinh tế xanh, bền vững’; đồng thời, triển khai hiệu quả các dự án tăng trưởng xanh của thành phố trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố với tầm nhìn mục tiêu trở thành hình mẫu của một thành phố năng động, xanh, sạch, đáng sống ở khu vực và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Cũng trong diễn đàn này, Phó Chủ tịch thành phố Lê Anh Quân đã có bài tham luận về những chính sách, chiến lược tăng tốc chuyển đổi xanh với các định hướng lớn đã được đề cập trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Kế hoạch tăng tốc chuyển đổi xanh của thành phố bao gồm 3 trụ cột được tập trung bao gồm: xanh về Khu Công nghiệp - Khu Kinh tế; xanh về Cảng biển - Logistics; xanh về Công nghiệp - Dịch vụ tổng hợp. Hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam. Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Hải Phòng sẽ tập trung hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư; hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh, xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh; nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, song song với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng được sự tin tưởng của khách hàng, cải thiện chỉ tiêu tài chính, tăng lợi thế cạnh tranh, tạo khả năng vận hành bền vững và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hội thảo “Chuyển đổi xanh, bền vững và thực hành ESG - tích hợp chiến lược phát triển doanh nghiệp tại Hải Phòng” với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của người dân và doanh nghiệp trong thực hành tiêu chuẩn mới về trách nhiệm xã hội và môi trường.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cẩm Hương – Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học – công nghệ và Đổi mới sáng tạo hy vọng: Hội thảo lần sẽ tạo cơ hội để các bên cùng chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu, tìm kiếm cơ hội và tăng cường hợp tác, “xanh hoá” từ ý tưởng nhận thức đến hành động để cùng góp phần kiến tạo một tương lai xanh hơn, tươi đẹp hơn và bền vững hơn, quyết tâm cùng thành phố xây dựng thương hiệu “THÀNH PHỐ CẢNG BIỂN XANH”.
Quỳnh Nga(t/h)