Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại Công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về việc hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã xây dựng Kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt mặt hàng này, trong đó đã chỉ đạo Đội Kiểm soát Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn Cục triển khai việc kiểm soát và xử lý đối với các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Hải Phòng.

Hải quan Hải Phòng: Tích cực trong công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu - Hình 1

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 23/11/2018, tại cảng Hải Phòng hiện đang có 2.639 container phế liệu tồn đọng (quá 90 ngày kể từ ngày đến cảng nhưng chưa có người đến nhận hàng). Trong đó có 2.044 container khai báo trên hệ thống Emanifest hàng hóa là nhựa phế liệu, 43 container sắt thép phế liệu, 146 container Giấy phế liệu và 406 container container Phế liệu khác (nhôm, đồng …).

Cục Hải quan TP Hải Phòng đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu tập trung nguồn lực, giải quyết thông quan nhanh chóng cho các lô hàng phế liệu nhập khẩu, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất liên tục cho các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng như tránh ách tắc hàng hóa tại các cảng biển.

Trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng, Hải quan Hải Phòng gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp đứng tên nhận hàng tại Việt Nam không cung cấp thông tin, thậm chí không phối hợp làm việc; một số các đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng không xuất trình các lô hàng tồn đọng để cơ quan Hải quan kiểm tra theo đúng các quy định hiện hành... Không lùi bước trước khó khăn và với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Cục Hải quan TP.Hải Phòng đã kiểm tra, phân loại được 1.215 container nhựa phế liệu. Hầu hết hàng hóa trong các container có kết quả kiểm tra sơ bộ là nhựa phế liệu các loại (dạng túi nylon, màng PE, bao bì…), không đáp ứng quy chuẩn Quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu. Đối với các lô hàng phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu này, Hải quan Hải Phòng đã có nhiều văn bản yêu cầu và thường xuyên đôn đốc các đại lý hãng tàu khẩn trương vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hiện Cục Hải quan TP Hải Phòng đang tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, phân loại các container phế liệu tồn đọng khác.

Ngoài ra, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã thu thập toàn bộ thông tin liên quan và có văn bản gửi các doanh nghiệp đứng tên nhận hàng tại Việt Nam khẩn trương đến làm thủ tục cho các lô hàng phế liệu nhập khẩu. Hiện đơn vị đã nhận được phản hồi của nhiều doanh nghiệp về lý do chưa làm thủ tục (đang chờ quy chuẩn nhập khẩu, khó khăn về tài chính…) hoặc cam kết sẽ làm thủ tục hải quan khi có đủ các điều kiện cần thiết.

Để ngăn chặn từ xa, căn cứ kết quả phân tích thông tin trên hệ thống Emanifest trong quá trình tiến hành thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải, Cục Hải quan TP Hải Phòng phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu có thông tin khai báo không đúng với các quy định hiện hành và đã ngăn chặn, không cho 143 container phế liệu, 02 tàu vận chuyển phế liệu dỡ hàng xuống cảng Hải Phòng …

Không chỉ ngăn chặn, Hải quan Hải Phòng đang tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động NK phế liệu và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đặc biệt tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi như: Làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được NK; làm giả, sửa chữa văn bản thông báo NK phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền; làm giả, sửa chữa giấy xác nhận ký quỹ NK phế liệu ...

Với các kết quả đạt được, ở thời điểm hiện tại có thể nói Cục Hải quan TP.Hải Phòng đã kiểm soát tốt hoạt động nhập khẩu phế liệu cũng như chủ động, tích cực trong việc xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Hải Phòng.

PV