Năm 1990, cô Nguyễn Thị Hạnh Nguyên tốt nghiệp ra trường sau đó về công tác tại trường Tiểu học quê nhà. Từ đó đến nay, gần 30 năm theo nghề, mọi khó khăn gian khổ cô đều đã trải qua. Nguồn động lực khiến cô gắn bó và yêu sự nghiệp trồng người hơn có lẽ là những đứa trẻ nghèo quê mình.
Bao thế hệ học sinh, phụ huynh ở xã Thạch Bình, nhất là ở các trường lẻ đều yêu quý cô Nguyên, đến nỗi giờ không muốn cho cô về lại điểm trường trung tâm dạy học, muốn cô ở lại dạy con em của mình. Gần 10 năm nay, cô Nguyên như một người con của thôn bản, thân thuộc với từng ngôi nhà Quảng Mào, cô thấu hiểu hoàn cảnh của từng nhà, yêu quý từng người.
Hiện tại cô Nguyên đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 2E điểm lẻ Quảng Mào, trường Tiểu học Thạch Bình (trường có 3 điểm lẻ). Quảng Mào là nơi xa gần chục cây số, học sinh ở đây đều là dân tộc ít người, thuộc hộ khó khăn. Học sinh học ở điểm lẻ từ lớp 1 đến lớp 3, lên lớp 4 thì phải về trường trung tâm theo học.
Các em học sinh thân thuộc cô như mẹ của mình, từ đó nhà cô Nguyên 4 năm nay cứ mỗi bữa cơm trưa lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Gia đình có 4 thành viên nhưng các con đều xa nhà, chỉ còn hai vợ chồng cô nhưng tiếng cười vui trong căn nhà không lúc nào ngớt. Vợ chồng cô xem đó là niềm vui cho mình, đôi khi có thể bỏ ra rất nhiều tiền cũng không thể mua được.
Vừa về đến nhà, chưa kịp thay quần áo ở trường cô đã lao nhanh xuống bếp, kiểm tra hai nồi cơm chồng đã cắm trước đó, tay thoăn thoắt lấy các thực phẩm ra để nấu ăn, làm sao xong bữa cơm trưa thật sớm cho các em học sinh ăn. Cô chia sẻ kinh phí để nấu ăn là từ lương của cả hai vợ chồng, cùng nhau bỏ tháng lương để giúp các em học sinh có bữa cơm no.
Hàng ngày, cô Nguyên thức dậy từ lúc 5 giờ sáng. Chăm lo việc nhà, cô phải chuẩn bị sẵn các thực phẩm cho bữa ăn trưa rồi mới lên đường đi dạy. Tan tiết học ở trường, cô lại phi xe về nhà nấu ăn cho các cháu. 4 năm qua việc làm ấy cứ diễn ra đều đặn. Cô làm điều đó vì lòng yêu mến những học sinh nghèo quê mình. Đa số các em học sinh được cô Nguyên nuôi cơm đều là con nhà nghèo, khổ đến cùng cực. Thử nghĩ nếu không có gia đình cô Nguyên cho ăn bữa cơm trưa, nghỉ lại nhà thì có lẽ nhiều em cũng vì khó khăn mà bỏ học về với nương rẫy từ lâu.
Cô Hạnh chuẩn bị bữa trưa cho các em học sinh
“Nhà cháu nghèo, cả năm may được ăn cơm với thịt, cá đếm trên đầu ngón tay. Ngày nào ăn cơm nhà cô Nguyên đều có thịt cá, cô nấu ăn rất ngon, cháu ăn không biết no. Cô Nguyên rất thương chúng cháu, cô vừa cho ăn lại còn dạy cho chúng cháu tính tự lập, có kỷ cương và yêu thương bạn bè” - một em học sinh chia sẻ.
Cô Đào Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thạch Bình chia sẻ, tấm lòng cao cả của cô Nguyên trở thành tấm gương sáng cho mọi người học tập, cô cho biết thêm cô Nguyên nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, tiêu biểu và có nhiều sáng kiến trong học tập, cô đã giúp đỡ rất nhiều em học sinh nghèo đến gần hơn với con chữ, không phải bỏ học giữa chừng.
Chưa dừng lại ở đó, ngoài nấu cơm phục vụ miễn phí cho học sinh buổi trưa, gia đình cô Nguyên còn nhận nuôi hai em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Vợ chồng cô nuôi ăn, nuôi học cho đến khi tự lập, có công ăn việc làm để quay về giúp gia đình.
Hải Nam - Trịnh Uyên