Hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử - Hình 1

Bên cạnh đó, do đặc thù giao dịch từ xa, không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên như trong thương mại truyền thống nên đối với thương mại điện tử thì thông tin của bên mua là rất quan trọng và bắt buộc phải cung cấp cho bên bán để đảm bảo giao dịch. Ngược lại, các thông tin từ bên bán công khai cho bên mua cũng rất quan trọng, có ảnh hưởng tới quyết định mua bán của bên mua. Do vậy, các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến quá trình giao kết hợp đồng mua bán giữa các bên là hành vi phổ biến, thường xuyên xảy ra trong giao dịch thương mại điện tử.

Nhiều người tiêu dùng đang bức xúc vì một ngày nhận được đôi, ba chục tin nhắn điện thoại với các nội dung quảng cáo, chào mời dịch vụ hoặc dụ dỗ chơi cá cược,…Các tin nhắn này phần lớn có mục đích lừa đảo, hướng dẫn người xem thực hiện theo các yêu cầu để có thể thu lợi bất chính. Nếu thực hiện theo các hướng dẫn này, người tiêu dùng có thể ngay lập tức bị trừ tiền trong tài khoản. Nếu tỉnh táo, không thực hiện theo các nội dung hướng dẫn thì người tiêu dùng cũng cảm thấy bức xúc và khó chịu khi liên tục phải mở điện thoại để kiểm tra tin nhắn.

Hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đối với lĩnh vực giao kết hợp đồng trên phương tiện điện tử chủ yếu tập trung vào hành vi không cung cấp thông tin đẩy đủ, chính xác; không cung cấp thời gian nghiên cứu và chính sách chấm dứt hợp đồng…

Lợi dụng khoảng cách trong các giao dịch giữa người mua và người bán, một trong những gian lận tiêu dùng chủ yếu xảy ra trong thời gian hiện nay là vấn đề quảng cáo gian dối, cố tình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Thậm chí nhiều người tiêu dùng sau khi mua sản phẩm về cũng không biết được mình đã bị lừa đảo. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, công bố kết quả kiểm tra sản phẩm thì người tiêu dùng mới biết. Những hành vi vi phạm này hiện nay vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn với các mặt hàng: mỹ phẩm, đồ gia dụng, điện thoại…

Đứng trước những vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian gần đây, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định những điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch điện tử. Bên cạnh các quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì các quy định về kiểm soát hoạt động giao dịch điện tử cũng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác. Vấn đề còn lại là ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn và quyết định các giao dịch trên các phương tiện điện tử, đồng thời, phải khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát và có các chế tài xử phạt thích đáng đối với các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Hà Trần